“Cơn sốt” giá đất hạ nhiệt: Nhiều nhà đầu tư lao đao
“Cơn sốt” giá đất hạ nhiệt, nhiều người lao đao vì trót “ôm” đất nền (ảnh chụp các khu đất phân lô để bán tại huyện Thủy Nguyên).
(HPĐT)- Thời gian này, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cũng như các địa phương trên cả nước, “cơn sốt đất ảo” tại nhiều địa phương, trong đó có Hải Phòng “hạ nhiệt”. Đằng sau sự chao đảo thị trường đó, không ít người lao đao vì trót đầu tư vào đất ở thời điểm “sốt”, giờ bán không được, giữ cũng không xong.
“Tiền mất, tật mang”
Thay vì cảnh giao dịch đất nhộn nhịp, đâu đâu cũng gặp người kinh doanh, môi giới đất như thời điểm cách đây vài tháng, giờ tại các điểm “nóng” về đất ở các huyện: Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy…, giao dịch đất trầm lắng, đìu hiu. Thời điểm sốt giá đất trước kia, các nhà đầu tư đổ xô về những xã vùng sâu, vùng xa thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đối với những mảnh đất có diện tích lớn để phân lô, bán kiếm lời. Nhưng nay, dù rất nhiệt tình mời chào nhưng chẳng mấy người hỏi. Như trường hợp nhà anh V.V.M, ở xóm Đông, xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) có mảnh đất hơn 400 m2 ở sâu trong xóm. Tháng 4 vừa rồi, anh M chia mảnh đất thành 5 lô, rao bán, song đến nay chỉ có lác đác người hỏi, nhưng không có người mua.
Anh N.V. K, môi giới đất ở huyện Thủy Nguyên cho biết, trong năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều người từ lái taxi, công nhân, viên chức… đổ xô chuyển sang nghề môi giới kiêm đầu tư “lướt sóng” đất nền ở các khu vực ngoại thành. Đến nay, giá đất giảm, ít người mua, nhiều người mất việc, “ngồi chơi xơi nước”. Hơn thế, nhiều người “khóc dở, mếu dở” đứng trước tình cảnh lao đao về tài chính. Không ít người ngậm ngùi mất tiền đặt “cọc” đã trả cho người sử dụng đất vì không tìm được người mua, trong khi không đủ tài chính để “ôm” những mảnh đất đến hàng tỷ đồng. Ngay cả những nhà đầu tư lớn cũng “chết vốn” tại những mảnh đất chưa bán được do “cầu” giảm sau cơn sốt đất ảo. Riêng anh K phải chuyển sang làm nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ vì không thể sống được với nghề môi giới đất, mà mấy tháng trước là nghề “hot”.
“Tiền mất, tật mang” là hệ lụy của tình trạng sốt đất ảo trong thời gian qua. Chỉ thị số 13 của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, về giá đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng ban hành ngày 7-5 vừa qua, nhận định: “Tình trạng này kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội gây mất cân bằng thị trường, gây khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố, đồng thời kéo theo các tiêu cực như mất an ninh trật tự, tín dụng đen…”.
Thận trọng khi đầu tư đất nền
Thị trường bất động sản là mảnh đất màu mỡ của giới kinh doanh, môi giới, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều đó thể hiện rõ khi “cơn sốt đất” đang hạ nhiệt hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng phân tích, quá trình biến động bất động sản có nhiều “cơn sốt” khác nhau, trong đó có việc tăng giá đất. Về khách quan, có 3 yếu tố làm tăng giá đất. Thứ nhất, giá đất tăng do nhà nước điều chỉnh có định kỳ, định hướng thị trường, nhưng không làm méo mó thị trường. Thứ hai, do cung-cầu bất thường. Song, trên địa bàn thành phố, nguồn cung là các dự án đang đà tăng, cầu đang tiếp cận nguồn cung, nhưng chưa tạo ra chênh lệch, chưa làm nên trạng thái sốt giá đất. Rõ ràng ở đây có cầu ảo, tạo ra “cơn sóng” tăng giá đất nền. Đây là hiện tượng bất thường. Thứ ba, giá đất tăng do tác động của hoàn cảnh ngoại vi như tăng trưởng kinh tế, là yếu tố tích cực, động lực phát triển. Nhưng thực tế, nhiều vị trí đất không có tác động ngoại vi như các vùng ngoại thành xa ở các huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy…, giá đất vẫn tăng. Rõ ràng, ở đây có thông tin ảo, khiến thị trường đất khó được kiểm soát. Chính 2 yếu tố nhu cầu ảo và thông tin ảo gây nên sốt đất. Do vậy, trước tình trạng sốt đất đó, Chỉ thị 13 của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, về giá đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng có tác động như liều thuốc kháng sinh “cực mạnh” để cắt cơn sốt đất ảo, giúp tránh được những hệ lụy đáng tiếc. Đến nay, nhiều người có dự định đầu tư vào đất nền kịp thời nhận thức, cẩn trọng hơn để tránh “tiền mất, tật mang”.
Theo đánh giá của các chuyên gia về bất động sản, hiện nay, mức giá đất nền trên địa bàn thành phố giảm đáng kể. Song, những hệ lụy do cơn sốt giá đất ảo là bài học cho các địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện công khai, minh bạch thông tin, tránh để các đối tượng lợi dụng bóp méo thông tin, trục lợi. Bên cạnh đó, ngoài quản lý về hành vi giao dịch và sản phẩm bất động sản, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hơn về thông tin thị trường, cả thông tin trên mạng xã hội, để sớm ngăn chặn những thông tin ảo, làm bóp méo thị trường đất. Người đầu tư nên thận trọng tìm hiểu các cơ sở pháp lý và yếu tố thị trường, đánh giá, so sánh quan hệ cung - cầu để xem xét tổng thể, thận trọng, không để các yếu tố bên ngoài tác động, không chạy theo tâm lý đám đông để tránh những hệ lụy đáng tiếc./.