(Truyện ngắn dự thi) CÙNG ANH VỀ VÙNG BIỂN THỨC

04:42 CH 04/03/2022

 

(Ảnh: Giang Sơn Đông)

 

I. Anh từng bảo, quê anh là vùng biển đẹp nhất Vịnh Bắc Bộ. Lúc mới quen, mấy đứa bạn em bảo anh khoe khoang, đại ngôn. Cát Bà sao mà đẹp như Hạ Long được? Anh bảo: Xa xôi cách trở mấy con phà, nhưng nếu một lần về Cát Bà, các bạn sẽ không muốn rời xa nơi đó nữa.

 

Trong anh, tình yêu với đảo cứ đau đáu, mặn mòi. Anh luôn nói đến việc trở về. Nhiều lúc em thấy lo ngại cho mối quan hệ của hai đứa. Em là con gái Hà Nội gốc, trừ hai lần theo bố mẹ đi du lịch Huế - Đà Nẵng và Sa Pa, em chưa bao giờ xa nhà. Bố em bảo: Cậu Hải này có nét quê kiểng, mặm mà của trai biển, chất  thẳng thắn bộc trực. Người như thế, tiếp xúc thấy ấm áp và tin cậy. Nhưng liệu em có đủ dũng cảm để theo anh về quê hay không?

 

Em biết anh từ khi cùng nhau tham gia cuộc thi thiết kế quy hoạch làng cổ Đường Lâm. Anh - chàng sinh viên kiến trúc chăm chỉ, thông minh luôn được giáo sư hướng dẫn tin cậy. Em và anh đã nhiều ngày cùng dạo bước trên từng con ngõ của “đất hai vua”, mê tơi với những kiến trúc đá ong đặc sắc mang đậm nét của vùng quê Bắc bộ. Nhiều lúc anh buồn khi thấy từ cổng làng đến mọi ngóc ngách của làng đều có những ngôi nhà dáng dấp hiện đại đan xen, khiến làng quê trở nên “tân cổ giao duyên”. Trên những con ngõ xương cá Mông Phụ, nhiều hộ dân tranh thủ cơi nới, nâng cấp nhà. Đường làng, ngõ xóm cũng đang dần được mở rộng với những vật liệu hiện đại. Không gian gốc đa, bến nước, sân đình đứng trước nguy cơ bị đô thị hóa ngày một rõ nét. Ba năm sau, dự án cũng đã được phê duyệt. Những ước muốn về bảo tồn cấu trúc không gian, kiến trúc nhà ở và công trình, khôi phục hệ sinh thái làng cổ, bảo tồn giá trị phi vật thể là mong muốn cốt lõi của chúng ta khi tham gia dự án rồi sẽ được triển khai trong thực tế. Anh bảo, Cát Bà quê anh cũng đang bắt đầu hành trình đề nghị di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học gửi Trung tâm Di sản thế giới UNESCO. Tuy nhiên, UNESCO lại khuyến nghị nối dài quần đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long thành một quần thể di sản. Anh muốn trở về góp một phần công sức vào đó.

 

II. Cô ấy nhận được học bổng du học thạc sĩ của Trường Fulbright, chỉ tuần nữa là bay đi Mỹ. Vậy là hai đứa xa nhau thật rồi. Mẹ mình từng bảo: “Chuyện chúng mày không thành đâu. Con nhà người ta lá ngọc cành vàng, gái thủ đô, chả đứa nào chịu theo mày về nơi xa xôi cách trở, khỉ ho cò gáy thế này”. Mình cãi: “Khỉ (vọoc đầu trắng) quê mình mà gáy là cả thế giới cùng biết đó mẹ”. Lạc quan tếu, để mà quên đi sự thực là khoảng cách giữa hai đứa ngày càng xa. Cô ấy yêu thích chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, nỗ lực bao nhiêu mới vượt qua cả ngàn hồ sơ xuất sắc mà giành được học bổng hơn tỷ đồng này. Còn mình, đích đến lại là sự trở về. Ngày cô ấy bay đi Mỹ là ngày mình lên tàu về lại Hải Phòng. Giờ đây, Cát Bà không còn xa nữa. Đã có cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối đôi bờ Phù Long - Bến Gót. Cung đường xuyên đảo uốn lượn quanh co, thấp thoáng khoảng xanh của biển, màu trằng tinh khôi của mây vờn dáng núi. Hoa dại nở bạt ngàn hai bên đường đi. Nhìn trời nước đảo nhà, thấy đẹp và yêu đến quặn lòng. Tuy còn hoang sơ, còn gập gềnh đá sỏi, nhưng một ngày kia, Cát Bà sẽ được mở mang xứng với tên gọi Đào Ngọc thân yêu. Mình tin là thế.

 

III. Biển Lan Hạ xanh thẳm. Không biết đáy thế nào mà dò nông sâu. Những con sóng lăn tăn dợn nhẹ khi có làn gió thoảng qua chốc lát, rồi lại yên tĩnh như khuôn thạch. Ngồi trên tàu khảo sát cùng với chuyên gia Nhật Bản trong chuyến đánh giá tác động môi trường biển để chuẩn bị đề án xây cảng nước sâu, Hải được đi một vòng từ Cát Hải sang Cát Bà.

 

Hải lại nhớ Nguyên đến cồn cào. Hồi ở Việt Nam, nhiều lần cô ấy đã ước được về đảo cùng anh. Hải đã hát cho Nguyên nghe câu hát xao động lòng người: “Chiều chiều trên hải đảo, núi nghiêng nghiêng soi mình trên bóng nước, gió lao xao cánh hải âu bay, thân thiết bao chiều hải đảo mê say”. Nguyên thì thầm hỏi: “Sao mà quê anh có những bài hát hay đến thế?”. Hải cười, hàm răng trằng lóa: “Vì Cát Bà đẹp em ạ”.

 

Đã gần sáu năm rồi… Hải quyết định cắt mọi liên lạc với Nguyên kể từ lúc Nguyên đặt chân lên đất Mỹ bắt đầu hành trình du học. Anh không muốn cô vì anh mà vương vấn. Con đường nghiên cứu sinh của Nguyên còn rất dài. Hải thấy hai đứa cứ như hai đường kẻ song song, càng đi càng thấy không gặp nhau ở giao điểm được. Về lại Hải Phòng, Hải đầu quân cho đội ngũ tư vấn xây dựng cảng để tham gia dự án nghiên cứu, hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch khu bến Cảng Lach Huyện. Cảng đầu mối quốc gia sẽ đón tàu to tầm cỡ thế giới lên đến trên 100.000 Teu. Sự phối hợp giữa hệ thống cảng hiện đại với khu công nghiệp kỹ thuật cao và sạch, có thể coi đây là cơ hội để biến Cát Hải thành vùng kinh tế vàng cho Hải Phòng phát triển. Hải Phòng đang “mở” và cần biết bao nhân tài cùng chung tay kết nối. Một ngày nào đó, Nguyên ơi, em có về lại Hải Phòng?...

 

IV. Cát Bà đang rạo rực trong nhịp điệu của Ngày hội làng Cá. Cuối tháng Ba, cây gạo trên bến cá hoa đã tàn hết. Những quả gạo của đợt hoa sớm cuối đông đã bắt đầu thả mảy bông bay li ti khắp trời càng làm cho anh nhớ Nguyên hơn. Trước kia, Hải đã hứa đưa Nguyên về quê đảo xem lễ hội. Dưới bến, dân chài tấp nập chuẩn bị lễ cầu ngư, ra quân đánh bắt vụ cá nam, thả cá giống và phát động phong trào bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Anh mong sao năm nay mưa thuận, gió hòa để mùa vụ khai thác và nuôi trồng đạt hiệu quả cao nhất.

 

Xa xa, rất nhiều khách du lịch nước ngoài đã tập trung ở khu vực chuẩn bị hội đua thuyền rồng trên biển. Năm nay, ngoài đội nhà Cát Bà, còn có các đoàn khách đến từ đất bạn Quảng Ninh. Đội đua của vùng lúa Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên cũng ra đây góp mặt.  Đây thực sự là cuộc đua tài đầy quả cảm, rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn của từng cá nhân trong một tập thể.

 

Thấp thoáng bóng áo dài xanh và mái tóc ngang lưng bay bay của cô hướng dẫn viên đi cùng tốp khách ngoại quốc. Hải thấy cồn cào nỗi nhớ. Sao cô gái ấy giồng Nguyên đến thế. Anh đã từng say mê nói với Nguyên về màn biểu diễn lướt ván đua thuyền thúng của cư dân miền duyên hải. Vài năm nay còn có thêm trò thi đấu kéo co và múa rồng trên biển nữa. “Giá như bây giờ có em ở đây”. Hải thầm ước.

 

V. Đêm về, Cát Bà tưng bừng trong không khí ngày hội, thị trấn lung linh ngàn ánh đèn màu và pháo hoa muôn sắc hắt bóng xuống vịnh. Hải thả bộ lên dốc đi về phía bãi Cát Cò 3. Anh muốn tìm một nơi thật yên tĩnh để thở hít không khí trong lành của biển. Từ dạo Cát Bà trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, vào ngày lễ, hàng vạn du khách trong nước và quốc tế đã đổ về đây tạo nên một không gian sôi động. Chợt anh sững sờ nhìn cô gái đi cùng tốp khách du lịch ngoại quốc từ khu resot 5 sao. Có phải là Nguyên kia không? Cô gái áo dài xanh duyên dáng với mái tóc bay bay mà Hải thoáng thấy chiều nay ở bến cá là em đó ư?

 

Nguyên cũng sững sờ khi nhìn thấy Hải. Cô đã mường tượng ra bao nhiêu kịch bản cho việc gặp lại Hải ở Cát Bà. Hơn một năm nay, với vai trò là Trưởng phòng Sale của hệ thống du thuyền 5 sao trên Vịnh Lan Hạ - Trà Báu, Nguyên đi về như con thoi giữa Hà Nội và Hải Phòng. Cô đã dành hàng tháng trời khám phá hang động, ao Ếch của rừng nguyên sinh, lăn lộn với dân làng chài, nghiên cứu, tìm tòi xây dựng sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và rừng quốc gia để du khách trải nghiệm sự khác biệt của Cát Bà, thấy nó xứng đáng là Di sản thiên nhiên thế giới. Cô đã trót yêu vùng biển này từ khi gặp Hải mất rồi.

 

Dúi vội vào tay Hải nane card của mình, Nguyên bảo: “Chốc nữa mình gặp lại nhau anh nhé”. Rồi cô và toán khách du lịch tiếp tục đi về thị trấn, hòa vào không khí tưng bừng của đêm hội.

 

Một mình trên bãi cát trắng muốt, Hải lặng nhìn từng đợt sóng vỗ òa dưới chân. Sáu năm qua, đã có bao thăng trầm, biến cải, Nguyên về nước từ khi nào, đã có gia đình hay chưa? Cuộc gặp mặt là định mệnh của đời anh hay là trò đùa của số phận. Rất nhiều câu hỏi quay cuồng trong đầu Hải. Rồi anh run lên khi thấy tiếng thì thầm bên tai: “Em đã về đây rồi anh”.

 

VI. Anh có biết, em đã lặn biển nhiều lần rồi đấy. Ngày trước anh đã nói rằng Cát Bà là đảo Ngọc của vịnh Bắc Bộ. Những ngày ở Mỹ, em đã tìm hiểu rất kỹ về việc xây dựng du lịch Cát Bà gắn với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái. Em chính là tác giả của tour du lịch lặn biển Cát Bà đấy. Ngày đầu xây dựng lịch trình mới, em và các chuyên gia lặn biển đến từ Úc đã tìm tòi dọc rạn san hô từ Áng Thảm, Mũi Hồng đến đảo Hang Trai, Đầu Bê, Cát Dứa. Sau này, khách du lịch ngoại quốc luôn phải trầm trồ, trải nghiệm thú vị và khó quên với những tầng san hô và các loài sinh vật biển đa dạng. Rừng quê anh cũng là kiểu rừng độc nhất vô nhị của rừng mưa nhiệt đới thường xanh, rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi. Em đã ngủ dưới tán Kim giao ở đỉnh Ngự Lâm. Mùa dẻ hoa, em đã nhặt một chùm thơm ngát và ước rằng nếu như tìm thấy anh, nếu như có anh ở bên em. Em đã thấy “vượn hót” giữa nguyên sơ kỳ vĩ rồi anh ạ. Nhưng anh biết không, du lịch Cát Bà phải là một hệ thống liên hoàn, chuyên nghiệp từ cơ sở vật chất, nhân lực và màu sắc văn hóa biển đảo nữa. Công ty em đã đầu tư 6 du thuyền 5 sao dọc hành trình Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Chúng em cũng tham gia kiến nghị việc di dời lồng bè ở Cát Bà, Lan Hạ, Bến Bèo, Trà Báu và Gia Luận để bào tồn cảnh quan của di sản thiên nhiên thế giới. Nếu không có anh, em cũng không biết Cát Bà đẹp, khác biệt và và thân yêu đến thế. Em nghĩ rằng, mình sẽ góp phần làm cho Cát Bà được biết đến nhiều hơn đấy.

 

VII. Biển luôn thức em ạ. Thẳm sâu trong lòng biển là mạch ngầm của sự sống đang vận động không ngừng. Mỗi con cá, con mực dưới kia là một câu chuyện kể. Những con sứa trong veo đang giương ô trong lễ hội, lấp lánh lân tinh như mắt biển đang thức. Dự án xây dựng cầu 3 và 4 cảng nước sâu tại Lạch Huyện của bọn anh cũng sắp đi đến bước khời công rồi. Những ngày tới, anh sẽ rất bận rộn. Và em thì về lại Hà Nội. Nhưng anh mong rằng, nơi mình gặp lại nhau hôm nay sẽ là nơi ghi dấu sự khởi đầu mới của hai đứa. Em có sẵn lòng đi với anh về vùng biển thức này không?

 

Ngốc ạ, thì em đang thức với anh và biển đây thôi. Em thấy tim của biển đang đập trong lồng ngực. Cả những phút chia xa không biết anh ở đâu và làm gì, em vẫn mơ đến một ngày theo anh về vùng biển thức. Biển không ngủ đẹp thất đấy. Anh có biết không, Cát Bà giờ là quê hương thứ hai của em rồi./.

 

Hải Phòng, tháng 12 năm 2021