Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Nỗ lực bảo đảm sự liên thông

09:45 SA 04/04/2025

(HPĐT)- Năm 2024, có 1.140 thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn thành phố được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 60%, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến mới đạt 58,5%. Với quyết tâm nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt ít nhất 75% trong năm 2025, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những hạn chế trong quy trình giải quyết TTHC, tăng cường sử dụng dữ liệu điện tử, hạn chế tối đa yêu cầu người dân cung cấp bản giấy.

 

Công chức bộ phận “một cửa” UBND quận Hồng Bàng hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

 

Chưa bảo đảm thông suốt, toàn diện 

Dù tích hợp đầy đủ thông tin trong tài khoản định danh điện tử mức độ 2, song khi thực hiện thủ tục đăng ký xác nhận thông tin nơi cư trú vào đầu tháng 1 vừa qua, anh Lê Đình Nguyên (48 tuổi, ở Tổ dân số 7, phường Cát Bi, quận Hải An) vẫn xuất trình bản sao căn cước công dân. Theo anh Nguyên, do chưa nhớ mật khẩu trên điện thoại thông minh và thói quen mang theo đủ loại giấy tờ để tránh phải đi lại nhiều lần nên anh chưa chủ động thao tác, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Khi được cán bộ bộ phận “một cửa” hướng dẫn, anh thấy việc thực hiện khá đơn giản, nhanh chóng, không phức tạp như anh nghĩ. 

Bên cạnh những yếu tố chủ quan do thói quen, tâm lý của người dân, các cơ sơ dữ liệu (Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu về người có công, phần mềm liên thông...) đều đang trong giai đoạn xây dựng, chưa thực sự hoàn thiện, hạ tầng thông tin chưa bảo đảm hiệu năng, công năng sử dụng nên việc kết nối chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, gây khó khăn đối với công chức, viên chức trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Theo thống kê trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố, một số xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến chiếm tỷ lệ chưa cao trong tổng số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết như: phường Hải Thành (quận Dương Kinh), xã Đại Đồng (huyện Kiến Thuỵ), xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng)… Theo anh Trần Văn Phong, công chức Tư pháp- Hộ tịch xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, năm 2024, bộ phận “một cửa” của UBND xã tiếp nhận khoảng 1.200 hồ sơ, nhưng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến chỉ chiếm khoảng 30%. Việc thực hiện nhóm TTHC liên thông theo Đề án 06 khá thuận lợi, tuy nhiên đối với thủ tục đăng ký khai sinh lại, công chức xã phải nhập trực tiếp vào phần mềm Hộ tịch, do quá trình kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố thường gián đoạn, thời gian chờ khá lâu. Nguyên nhân phổ biến khác là người dân chưa tự thực hiện việc scan tài liệu minh chứng, phần lớn do cán bộ tư pháp làm thay, làm hộ nên khó bảo đảm tiến độ thời gian thực hiện cho nhiều người, cùng lúc. Do đó, anh Phong đề xuất, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số cho người dân, thành phố có giải pháp đẩy mạnh việc liên thông dữ liệu giữa các đơn vị, sở, ngành, tăng tính kết nối, sử dụng lại tài liệu minh chứng.

Khẩn trương “gỡ nút thắt” 

Hướng tới mục tiêu lâu dài trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và hỗ trợ cơ sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Cao Lân thông tin, Sở tích cực phối hợp Văn phòng UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát để lựa chọn các TTHC trong 433 TTHC chưa cung cấp trực tuyến nếu đủ điều kiện thì đưa lên trực tuyến; lựa chọn một số TTHC trong 364 TTHC đang cung cấp trực tuyến một phần nếu đủ điều kiện thì đưa lên toàn trình… Đối với các dịch vụ công trực tuyến được người dân, tổ chức sử dụng nhiều sẽ tổ chức tái cấu trúc, đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hoá thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công quốc gia thành các dịch vụ công trực tuyến thân thiện, thông minh. Còn Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung cấp bản sao điện tử văn bằng, chứng chỉ đồng thời với việc cấp bản chính; đưa bản sao điện tử vào Kho quản lý dữ liệu người dân, tổ chức trên hệ thống của thành phố để tái sử dụng. Sở Tư pháp đang xem xét, đề xuất sửa đổi các quy trình, quy định để hạn chế tối đa yêu cầu người dân cung cấp bản sao chứng thực trong các TTHC được cung cấp trên địa bàn thành phố, yêu cầu cán bộ công chức chỉ thực hiện chứng thực bản sao từ bản giấy đối với những loại tài liệu chưa có trên Kho quản lý dữ liệu người dân, tổ chức trên hệ thống tập trung của thành phố… 

Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường yêu cầu các sở, ban, ngành thường xuyên rà soát các Quyết định công bố TTHC trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, phối hợp Văn phòng UBND thành phố kịp thời trình Chủ tịch UBND thành phố công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương (chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày bộ, ngành chủ quản công bố), tập trung rà soát, loại bỏ các TTHC không còn hiệu lực trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Qua đó, tăng sự minh bạch, hiệu quả, thông suốt trong quá trình giải quyết TTHC của các địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập