(Truyện ngắn dự thi) GẮN MÌNH VỚI ĐẢO NGỌC
(Ảnh: Giang Sơn Đông)
Tiếng khóc the thé như xé vải vọng ra từ hang đá vút qua lùm cây, bãi cát lọt vào tai ông Thạo đang gỡ tấm lưới trước nhà. Ông lẩm nhẩm “Chắc biển mệt quá thở phì phò thôi” rồi lại tiếp tục gỡ lưới. Tiếng khóc mỗi lúc một gần hơn ông thả tấm lưới xuống đi theo tiếng khóc đến cửa hang thì khựng lại. Ông Thạo ngó mắt vào trong tối om chỉ lờ mờ thấy bóng một bé trai nhỏ tuổi mặc chiếc áo phông kẻ cộc tay, ông khẽ gọi:
- Cháu trai mau ra đây!
Đứa trẻ bước ra lại thụt vào có vẻ sợ sệt. Ông Thạo định bước vào trong thì cửa hang nhỏ xíu chỉ đủ đứa trẻ con độ năm tuổi chui vào. Thấy người lạ cậu bé đứng nép vào cạnh hang khóc òa. Dỗ dành thế nào cậu bé cũng không chịu ra ông Thạo liền chạy về nhà lấy một chiếc bánh để ở cửa hang. Đói bụng nhìn thấy bánh cậu bé từ từ đi ra cầm bánh nhai ngấu nghiến. Ông Thạo phủi đất cát trên người cậu bé, vuốt nhẹ lên mái tóc xoăn tít, nhặt những sợi cỏ đan trên kẽ tóc rồi dắt cậu về nhà.
Thấy chồng dắt thằng nhỏ về, bà Thư vợ ông Thạo chạy vội ra hỏi chồng:
- Con nhà ai lạ vậy ? Sao ông lại đưa nó về đây ?
Ông Thạo kể mình tìm được cậu bé trong hang đá cậu chẳng nhớ gì chỉ biết mình tên Hải. Nhìn cậu bé có vẻ đói, bà Thư vào nhà xúc vội bát cơm, thìa trứng còn nóng hổi đưa cho cậu bé. Lúc đầu, Hải dè dặt nhưng nhìn thấy cơm ngon quá bê lên và thật nhanh đến nỗi cơm dính mũi, lên đôi má ửng hồng trông thật ngộ nghĩnh. Cậu bé xinh xắn, đáng yêu ông Thạo bàn với vợ tạm thời để thằng bé ở nhà mình khi nào gia đình đến đón thì trả lại bố mẹ.
Một tuần.
Một tháng.
Một năm chẳng ai đến đón cậu bé. Mọi thông tin nhà Hải chẳng ai hay, không biết cậu ở thành phố hay ngoài đảo nhưng sống ở nơi quanh năm chỉ có sóng vỗ ào ào, thuyền ăm ắp cá cậu cũng dần quen. Chiều chiều, Hải đứng trên bờ cát ngắm nhìn biển rộng bao la chỉ thấy con sóng lớn ôm gọn con sóng nhỏ vào lòng cậu lại nhớ bố mẹ. Cậu ngồi buồn bã trên bãi cát trắng ném những vỏ ốc vặn ruột đầy cát xuống nước buông lời giận dỗi “Sao mày cướp bố mẹ tao đi”. Ném mãi chán tay Hải lại lang thang dọc bờ biển ngắm nhìn những chú hải âu bay lượn trên bầu trời thăm thẳm cậu cũng muốn như chú hải âu kia có thể vượt khơi xa tìm đường về nhà. Đang thẫn thờ Phượng con gái út ông Thạo chạy tới hù Hải làm Hải giật nẩy người.
Phượng hỏi Hải:
- Anh nhớ nhà à, em có thứ này cho anh hay lắm.
Nói xong Phượng lấy con ốc biển to bằng bàn tay trong túi áo ra áp vào tai Hải. Một lát sau, Phượng hỏi:
- Anh có nghe thấy gì trong đó không?
Hải nhắm mắt lại ra hiệu cho Phượng lặng im. Chẳng ở ngoài biển khơi nhưng Hải nghe thấy tiếng sóng nhẹ nhàng êm ái, du dương như tiếng hát mẹ du con. Hải thả hồn vào biển cả quên hết buồn tủi. Từ hôm đó trở đi mỗi lần buồn Hải lại lấy con ốc áp vào tai.
Thời gian trôi nhanh Hải và Phượng đã đến tuổi trăng tròn. Một hôm, Phượng đưa Hải đến một nơi tuyệt đẹp ở vịnh Lan Hạ với vô số hòn đảo nhấp nhô xếp hình vòng cung chúng choàng trên mình bộ áo xanh tươi soi bóng xuống nước. Gần ngay trước mắt là núi đá vôi được bao bọc bởi nhiều cụm cây to, phía dưới hoa chiêng chiếng rung rinh đua nở vươn trước cửa hang như chào mời đón khách nhiệt thành. Hải ngắt một chùm hoa chiêng chiếng gài lên mai tóc Phượng. Những đóa hoa mùa vàng làm nền cho làn da trắng, nụ cười duyên tôn lên vẻ đẹp rạng ngời mộc mạc của cô gái thôn quê làm Hải ngất ngây. Hai đứa dắt nhau vào hang mắt tròn xoe ngắm nhìn nhũ đá trên trần hang chuông đá, mảng đá lấp lánh như những lộc non chuẩn bị đâm chồi. Dưới sàn hang hồ nước nhỏ trong vắt, hình khối nhũ đá giống pho tượng hình người, hình thú muôn sắc màu cứ ngỡ mình trong chuyện cổ tích. Hải mê mẩn ngắm vẻ đẹp huyền bí không rời mắt bỗng mắt cậu tối sầm hình ảnh ngày đi lạc hiện về. Hải thấy mình trong hang đá tối om đang quơ tay gọi mẹ rồi lịm đi. Phượng lay người Hải thật mạnh và liên tục gọi tên. Lát sau, Hải tỉnh dậy ôm chầm lấy Phượng. Hải cảm nhận được sự ấm áp đã mất bấy lâu. Hai người mặt sát mặt thì một tiếng kêu bột làm cả hai giận mình đứng lên mặt đỏ bừng ngại ngùng. Môi Hải mấp máy:
- Anh xin lỗi.
Phượng cười vẻ mặt cảm thông. Hải kể cho Phượng nghe chuyện buồn xảy ra mười mấy năm anh đã dấu trong lòng. Ngày đó, Hải đang cùng bố mẹ dạo chơi trên bờ biển bỗng một con sóng lớn ập vào bờ kéo bố mẹ xa dần ra biển, Hải mải nhặt vỏ ốc bên rặng cây nên không bị sóng cuốn đi. Hải gào khóc gọi bố mẹ nhưng không thấy bố mẹ trả lời, anh đi dọc theo bờ biển tìm bố mẹ cho đến sẩm tối. Phía xa có ánh sáng Hải lần đến đó mệt quá ngủ thiếp đi. Buổi sáng thức dậy bên trong tối om cậu òa khóc gọi mẹ. Từ ngày được bố Phượng đưa ra khỏi hang Hải chưa bao giờ dám bước vào trong Hải sợ cảm giác cô đơn lạnh lẽo nên vừa rồi mới bị ngất đi. Sau buổi đi chơi, Hải để ý đến Phượng nhiều hơn không còn sự vô Thạo như trước.
Buổi chiều muộn, mây đen kéo đến giông bão nổi lên, mưa chút rào rào như thác đổ, nước rửa sạch hết vỏ ngao, vỏ sò… lộ ra bãi cát trắng tinh. Trời tối dần bà Thư và các con đứng ngồi không yên hướng mắt ra con sóng cuồn cuộn chẳng khác gì con thủy quái giận giữ ngóng con thuyền đánh cá trở về. Bà Thư lo sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra với hai bố con. Gió thổi mạnh đèn tắt Phượng lại châm và lấy đèn bin rọi ra bờ biển vẫn là bãi cát trắng xóa. Đêm khuya, Phượng vừa thiếp đi thì cây đèn bị gió thổi mạnh rơi vỡ toang. Cả nhà giật mình đứng lên thu dọn chỗ đèn vỡ, bà Thư vào chiếc hòm lấy ra một cây đèn mới đổ dầu, lắp chiếc bấc mới, châm lửa, đậy cái bóng treo ra cây cột cạnh cửa. Bà Thư giật mình thấy bóng đen xuất hiện, cây đèn trên tay bà xuýt chút nữa rơi xuống đất. Bà bước thêm ba bước tiến lại gần giơ cây đèn lên cao là ông Thạo đang thở hổn hển, dìu Hải tập tễnh bước vào. Bà Thư tóa hỏa hô lên:
- Bố các con về rồi.
Mấy đứa chạy ra đỡ ông Thạo và Hải vào nhà lấy quần áo cho hai bố con thay rồi đốt đống lửa to sửa ấm thân thể lạnh buốt. Ông Thạo lúc này mới hoàn hồn kể lại việc mình may mắn sống sót trở về. Lúc hai bố con vớt mẻ các cuối cùng thì cá ở đâu dồn dập kéo đến hai bố con cố đánh thêm mấy mẻ nữa thì con sóng cao ập tới, Hải lái con thuyền lướt nhanh về phía trước còn ông Thạo cột chặt dây buồm gió mạnh đẩy ông sang bên này, lật bên kia bỗng cột buồm đổ Hải chạy ra đẩy bố sang một bên thì cột buồm đè trúng chân. Mưa to, gió lớn con thuyền bị sóng đánh tan. Ông Thạo và Hải bám vào chiếc phao trôi lênh đênh trên biển. Nhờ có thâm niên trong nghề ông đã xác định phương hướng bơi vào bờ. Cũng may chân của Hải bị thương nhẹ không bị gãy xương chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là đi lại được. Thoát chết nơi biển cả trở về, ông Thạo cảm ơn ông trời đã đưa Hải đến với gia đình mình. Hải giờ đây như lá bùa hộ mệnh của gia đình ông Thạo.
Cả tuần ông Thạo ngồi đăm chiêu nhìn ra biển cả bao la tài sản, vốn liếng duy nhất của ông đã bị chôn vùi dưới đáy biển giờ lấy gì kiếm sống. Bà Thư lại gần ngỏ ý:
- Trong cái rủi có cái may ông ạ. Còn người là còn của. Ông tính xem mình có đầu tư nuôi cá lồng được không? Tôi thấy trong thôn họ cũng nuôi nhiều đấy.
Ông Thạo trầm ngâm rồi trả lời vợ:
- Tiền đâu mà đầu tư.
Bà Thư cười bảo:
- Thì tôi thấy các hộ nuôi cá đều vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế hay nhà mình cũng vay để đầu tư ông nhỉ.
Nghe vợ nói có lí ông Thạo bắt đầu dành thời gian đến thăm lồng cá của người dân trong vùng và tìm hiểu kĩ thuật nuôi thủy sản ông cũng bảo Hải đi làm ở trại nuôi cá để tích lũy kinh nghiệm. Sau khi khảo sát thị trường, kĩ thuật nuôi cá ông Thạo đến ngân hàng thế chấp ngôi nhà để vay vốn thử vận may. Ban đầu ông chỉ đầu tư bốn lồng cá thả mấy nghìn con. Cá bằng ngón tay sau sáu tháng nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm nuôi, nước biển trong sạch, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cộng với sự chăm sóc miệt mài ngày đêm của ông Thạo bốn lồng cá đã được thu hoạch vụ đầu tiên. Tiền lãi bán cá ông đã hoàn được nửa số gốc ban đầu. Hai vợ trồng hồ hởi mở rộng đầu tư thêm bốn lồng cá và gọi Hải về làm cùng. Vụ cá thứ hai, thứ ba ông đã hoàn trả được hết số tiền vay ngân hàng, có tiền xây ngôi nhà mới. Gia đình ông đã trở thành hộ điển hình nuôi thủy sản trong xã, tiếng đồn vang xa nhiều hộ dân trên đảo đã đến gia đình ông học kĩ thuật nuôi cá. Thạo không học về ngành nghề chăn nuôi nhưng bằng hiểu biết, vốn sống, kinh nghiệm của mình anh hướng dẫn người dân chọn con giống, kỹ thuật nuôi thủy sản chẳng khác gì kĩ sư chuyên nghiệp. Nuôi thủy sản đang trên đà phát triển thì xã Cát Đồn thông báo khu nhà ông Thạo nằm trong khu quy hoạch mở rộng thành khu đô thị, du lịch, dịch vụ, sân golf trên đảo Cát Bà. Vậy là bao công lao đầu tư trông đợi làm giàu bỗng tan biến. Cán bộ xã đã xuống tận cơ sở để vận động nhân dân thực hiện theo dự án nhưng tiền đền bù chưa thỏa đáng nên người dân trên đảo vẫn chưa nghe vì số tiền đền bù chỉ được quá nửa số vốn họ bỏ ra.
Chủ đầu tư đã đến thôn giải thích và hứa sẽ tăng thêm hai mươi phần trăm mức bồi thường nhưng một số hộ gia đình vẫn trần trừ. Tại buổi họp Hải đã đưa ra ý kiến và lý giải vì sao người dân chưa đồng thuận với nhà thầu. Ông chủ Phong thấy anh thanh niên còn trẻ hiểu lí lẽ và có hiểu sâu rộng về nơi này cuối buổi họp ông hẹn gặp mặt Hải trong phòng, ông hỏi:
- Cậu có muốn làm việc cho tôi không?
Hải khẳng khái trả lời:
- Nếu việc có ích cho dân tôi xin làm. Còn việc xấu tôi xin chào ông.
Cậu xoay người ra về ông Phong bảo Hải đứng lại, ông lại gần nhìn vết sẹo dưới mang tai Hải hỏi:
- Cậu là người ở đâu đến đây? Sao lại có vết sẹo này?
Nghe ông Phong hỏi Hải giật mình rồi trả lời qua loa cho xong chuyện. Trở về nhà cậu suy nghĩ về câu hỏi của ông Phong, tự lẩm nhẩm “đừng có nghĩ lung tung”. Hôm sau, ông Long đến nhà gặp bố Hải hai người nói chuyện rất lâu. Khi ra về ông Phong còn nhìn Hải nở nụ cười ấm áp. Hải hỏi bố, bố chỉ nói ông Phong đến bàn về việc giải phóng mặt bằng. Một buổi họp mới lại bắt đầu, Ông Phong bất ngờ tuyên bố sẽ đền bù đủ số tiền người dân đã đầu tư lồng cá, đất nhà ở, vườn tược trả theo giá nhà nước quy định. Người dân sau khi chuyển đến khu định cư mới sẽ được công ty đầu tư cho mỗi hộ bốn lồng cá mới không cần hoàn gốc. Nghe tin vui cả thôn vỗ tay giòn giã. Ông Thạo ngồi dưới lấy chiếc khăn thẫm những giọt nước mắt sung sướng rồi hướng mắt sang chỗ cậu con trai. Hải nhìn bố không hiểu đang có chuyện gì xảy ra.
Người dân mở tiệp ăn mừng họ mời cả ông Phong đến dự. Ông Thạo ngồi trầm ngâm nhìn mọi người nhảy múa, reo hò rồi trở về nhà sớm. Hải cũng theo bố về lân la hỏi chuyện, ông Thạo bảo:
- Ông Phong chủ công ty đấy là bố ruột con. Ông ấy đã tìm con nhiều năm nay, đầu tư du lịch trên đảo Cát Bà mong có ngày tìm được con trai đã đến lúc ta phải trả con cho ông ấy rồi.
Hải ngồi thụp xuống ghế điều mình mong muốn rất lâu không đến nay đã quen với cuộc sống nơi này cậu không nỡ rời xa. Hải đang hụt hẫng thì ông Phong bước vào gọi:
- Hải con! Ta đã tìm con hai mươi năm rồi.
Ông Phong chạy vào ôm cậu con trai. Sự việc đến quá bất ngờ Hải chưa có sự chuẩn bị nên đứng thần người rồi dần đưa tay nhẹ nhàng ôm bố.
Ông kể sau khi bố mẹ bị cuốn ra biển may mắn được một thuyền đánh cá cứu giúp. Bố mẹ đã đi tìm Hải nhưng bạch vô âm tín, bố chỉ biết đầu tư vào các hòn đảo mong có cơ hội tìm lại con. Mẹ Hải tinh thần suy sụp bà tự trách mình đã đánh mất con, sinh bệnh giờ lúc nhớ lúc quên vẫn gọi tên Hải. Hải là con trai duy nhất ông Phong muốn Hải về tiếp quản công ty nhưng anh vẫn đắn đo xin bố thời gian suy nghĩ.
Mấy ngày sau, ông Phong đưa vợ đến gặp con trai bà Lan không thể tin cậu thanh niên to cao, đẹp trai, trán rộng đứng trước mặt mình là Hải chỉ có mái tóc xoăn là không thể lạc đi đâu được. Bà Lan chạy tới nghẹn ngào ôm cậu con trai bé bỏng ngày nào vào lòng luôn miệng nói lời xin lỗi. Cả ba người ôm nhau vui mừng khôn xiết sau nhiều năm xa cách. Hải nói với bố mẹ giờ mình đã là con của biển, quen cuộc sống bình yêu nơi đây hơn nữa Hải đã tìm thấy một nửa của đời mình anh không muốn rời xa cô ấy. Hiểu lòng con, bố mẹ Hải cũng thuận theo ý con trai. Được sự giúp đỡ của bố mẹ Hải đầu tư nhiều hạng mục lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân trên đảo, biến nơi đây thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế.
Hoàng hôn buông xuống Hải và Phượng đứng trên tầng cao ngắm nhìn bức tranh phong cảnh kì ảo, hùng vĩ và có sức hút mãnh liệt. Hải cũng như những du khách đến đây được thả hồn vào mây gió, hòa mình vào tiên cảnh chỉ muốn ở lại mãi mãi chẳng muốn về./.