Cẩn trọng với thủ đoạn lừa đảo “đổ thạch” trên internet

11:05 SA 02/04/2025

(HPĐT)- Chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố Hải Phòng nhận được ý kiến của một số bạn đọc phản ánh thủ đoạn lừa đảo tinh vi, đánh vào lòng tham của người dân thông qua "đập, mở đổ thạch" trên không gian mạng. Với chiêu trò tinh vi này, nhiều người mất tiền oan khi tham gia trò chơi "đổ thạch". Số tiền bị lừa đảo có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Để phòng tránh lừa đảo, lực lượng chức năng đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên.

 

Lực lượng Công an tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng.

 

Hồi hộp… săn đá quý 

Theo giới thiệu của người bạn, chị Hoàng Thị Thùy, ở Tổ dân phố số 10, phường Đằng Hải (quận Hải An) tham gia phiên livestream “búa” đá để tìm ngọc (hay còn gọi là “đổ thạch”) của tài khoản Facebook có tên Hải Đá Quý. Theo đó, người tổ chức phiên livestream lần lượt giới thiệu các quả đá với giá từ vài triệu đồng tới hàng chục triệu đồng, tùy kích thước và chất lượng. Khi có người nhận mua ổ 7M (cục đá có giá 7 triệu đồng), nhân viên tiến hành “búa đá”, đồng thời khuyến khích người xem thử vận may “liều để được ăn nhiều”. Ngoài những cục đá giá hàng chục triệu đồng, cũng có những sản phẩm chỉ khoảng 1 đến 2 triệu đồng dành cho những người muốn “thử vận may”. Người tổ chức livestream còn hô hào người xem có thể “góp cổ phần” mua chung những viên đá để cùng chia sẻ vận may. Nhiều người đăng ký mua chung, người mua 10% giá trị của viên đá 4M; người khác thì mua 50% giá trị của viên 28M. Người mua đá chuyển tiền cho bên bán theo tài khoản được cung cấp qua Zalo. Trường hợp “búa đá” mà tìm thấy ngọc, bên bán sẽ thu mua lại và chuyển tiền lời cho người mua. Còn nếu sau khi “búa đá” mà không tìm thấy ngọc, người mua coi như mất số tiền đã chuyển khoản. Nhân viên livestream sử dụng đèn soi để kiểm tra chất lượng và cân xác định trọng lượng đá quý. 

Livestream “búa đá” mà chị Thùy được giới thiệu tham gia theo dõi kể trên tràn lan trên các mạng xã hội Facebook, TikTok những ngày qua. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “búa đá tìm ngọc”, “búa là nổ”… có thể tìm thấy nhiều các livestream dạng này. Các đối tượng liên tục thực hiện các giao dịch chuyển khoản tiền vào các tài khoản, quảng cáo cho rằng đó là công ty chuyển tiền cho các khách hàng mua được cục đá có đá quý ở bên trong để khuyến khích người xem mua sản phẩm. Chiều 17-3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) tiếp nhận trình báo của nạn nhân nữ bị lừa đảo, chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng khi tham gia sàn “đổ thạch” trên mạng Facebook. Trước đó, tháng 1-2025, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng bắt giữ 8 đối tượng có hành vi kêu gọi người dân đóng tiền mua suất “đổ thạch”, với lời hứa lợi nhuận cao. Điều tra ban đầu xác định, các đối tượng lập nhiều fanpage như “Búa là nổ”, “Búa đá tìm ngọc”, “Đá quý Thu Hương” để livestream rao bán các cục đá được cho là chứa đá quý bên trong. Trong các buổi livestream, thành viên tung hứng, tạo tình huống có người mua trúng đá quý giá trị cao, được công ty mua lại với mức giá hấp dẫn để đánh vào lòng tham của người xem. Tuy nhiên thực tế, khi người mua chuyển tiền, thì đều không tìm thấy đá quý bên trong. Bằng thủ đoạn này, từ cuối năm 2024 đến nay, nhóm đối tượng trên lừa đảo được hơn 900 triệu đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.

Tỉnh táo trước chiêu lừa 

Theo Chủ tịch Hội đá quý tranh tượng dân gian, gỗ mỹ nghệ Hải Phòng Nguyễn Tiến Hanh, để xác định chất lượng của đá quý, người thợ kim hoàn có thể sử dụng máy đo năng lượng, nhưng để sử dụng được thiết bị này đòi hỏi người dùng phải có kiến thức hiểu sâu về đá quý. Để xác định chính xác chất lượng của đá quý thì máy đo năng lượng này phải bảo đảm tiêu chuẩn. 

Còn Chánh văn phòng Hội Luật gia thành phố Vũ Việt Cường cho rằng, người dân đầu tư tiền vào những viên đá mà không nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn nhiều rủi ro, không khác gì trò "đỏ đen" trên mạng xã hội. Nếu livestream “đổ thạch” nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người khác dưới 2 triệu đồng, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu tới 3 triệu đồng (theo điểm c, Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐCP của Chính phủ). Trường hợp số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt lớn hơn 2 triệu đồng, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc phạt tù đến 20 năm tù hoặc chung thân (tùy mức độ vi phạm). 

Do vậy, cơ quan điều tra phối hợp các đơn vị chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ mạng internet điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các vi phạm trên. Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, khu dân cư và các nền tảng mạng xã hội để người dân nắm được thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Bản thân mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo, tránh mù quáng tin theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu, chuyển tiền để “cầu may” từ những cục đá không rõ nguồn gốc, xuất xứ để không tiếp tay cho các đối tượng xấu.
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập