Bước đột phá tạo sự phát triển của thành phố Hải Phòng

08:54 CH 13/08/2017

Ngày 29- 7- 2017, Chính phủ phê duyệt Nghị định số 89/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, chính thức có hiệu lực từ ngày 15- 9- 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017. Những chính sách mới này được nhận định là “đòn bẩy” để kinh tế Hải Phòng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại; trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao. Phóng viên Báo Hải Phòng trao đổi với đồng chí Lê Trung Kiên, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về một số vấn đề liên quan.

Với cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách, thành phố có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh: Duy Lân

- Nghị định số 89/2017 có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của thành phố Hải Phòng, thưa đồng chí?


- Từ khi có Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5- 8- 2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố chủ động phối hợp các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, đề xuất và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg ngày 5- 4- 2004 về một số cơ chế tài chính- ngân sách ưu đãi đối đối với thành phố. Quyết định này được áp dụng đến năm 2010. Từ năm 2011 đến nay, thành phố không có cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, ngân sách, chỉ áp dụng chung theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành khác.


Tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 10- 10- 2013 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32, Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương: “sớm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy và cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố đô thị loại 1, đô thị trung tâm cấp quốc gia; nghiên cứu việc cho phép Hải Phòng được để lại tỷ lệ hợp lý nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trên địa bàn để hỗ trợ thực hiện chương trình, mục tiêu; có mức thưởng trên tổng số thu ngân sách vượt dự toán; việc cho thành phố thẩm quyền quy định một số loại phí và lệ phí”.


Như vậy, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 là sự cụ thể hóa Kết luận số 72 của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố. Nghị định này có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng theo đúng mục tiêu, định hướng được Bộ Chính trị kết luận, trong đó có điều kiện huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các công trình cấp thiết của thành phố, như: chỉnh trang đô thị (cải tạo chung cư cũ, cải tạo và kè bờ các tuyến sông trong nội đô, quy hoạch lại và đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình công cộng...), hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, phát triển các đô thị mới, giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố ...


- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành phố những giải pháp gì để triển khai hiệu quả cao, tận dụng cơ hội từ Nghị định số 89/2017?


- Nghị định số 89/2017 quy định mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhưng “nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định”. Do đó, trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, thành phố cần báo cáo, đề xuất cụ thể để các bộ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét giao mức bội chi ngân sách của thành phố bằng mức dư nợ vay thêm (bằng mức dư nợ vay tối đa năm kế hoạch trừ đi mức dư nợ vay tính đến ngày 31-12 năm trước) để có thêm nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị của thành phố. Các cơ quan chức năng (Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan) xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố hằng năm bảo đảm phù hợp các quy định có liên quan, các Hiệp định thương mại có tác động đến nước ta và điều kiện cụ thể của thành phố, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm để áp dụng cơ chế trung ương hỗ trợ 70% số tăng thu ngân sách trung ương.


Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và được HĐND thành phố thông qua, trong đó xác định tổng nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả các nguồn vốn vay của ngân sách thành phố, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách của thành phố. Theo đó, xác định danh mục các dự án khởi công mới từ nay đến năm 2020 để tập trung triển khai thủ tục đầu tư, bảo đảm đủ điều kiện bố trí vốn đầu tư công hằng năm. Đây là các dự án quan trọng của thành phố, có tác động liên vùng, tạo chuyển biến rõ rệt chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố để tập trung đầu tư bằng các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương, nguồn vượt thu ngân sách trung ương và các nguồn vốn vay để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.


Sở cũng đang chủ động, tích cực phối hợp các chủ đầu tư, các cơ quan liên quan để hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các dự án sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, bố trí vốn và thi công theo tiến độ đề ra. Vốn đầu tư công được xác định là “vốn mồi”, đầu tư vào những công trình hạ tầng thiết yếu của thành phố, tạo điều kiện nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư khác vào thành phố.

Với cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách thành phố sẽ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Ảnh: Lê Dũng


- Để sử dụng hiệu quả cao nguồn vốn vay, cần những cơ chế nào để không tạo áp lực lớn cho quá trình trả nợ trong tương lai của thành phố?


- Trong điều kiện các nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của thành phố, việc thành phố huy động các nguồn vốn vay để đầu tư là xu hướng tất yếu. Để không tạo áp lực quá lớn cho quá trình trả nợ trong tương lai, cần bảo đảm hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay, hiệu quả đầu tư. Hiện nay, số thu ngân sách của thành phố cao nên mức dư nợ vay cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Do đó, cần cân nhắc, lựa chọn các nguồn vốn vay phù hợp nhất với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố về thời điểm vay và mức vốn vay, thời hạn vay dài, chậm phải trả nợ gốc và lãi, lãi suất ưu đãi... Đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục hành chính để sớm giải ngân vốn vay, hạn chế tối đa việc tồn đọng vốn vay do chúng ta vẫn phải trả lãi vay trong thời gian chưa giải ngân vốn; lựa chọn danh mục dự án sử dụng vốn vay, phân bổ vốn vay cho các dự án thực sự hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố; tập trung chỉ đạo quyết liệt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, sớm hoàn thành và đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.


Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt để tăng thu ngân sách, vừa có điều kiện tăng nguồn vốn đầu tư công, vừa có điều kiện trả các khoản nợ đến hạn, cơ cấu lại ngân sách thành phố theo hướng lành mạnh hơn. Mặt khác, khi thực hiện các dự án đầu tư công sẽ phát sinh tăng thêm các nguồn thu cho ngân sách thành phố, do đó cũng tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn lực để trả nợ các khoản vốn vay.


- Trân trọng cảm ơn đồng chí !


Thanh Hiệp thực hiện