Các doanh nghiệp thủy lợi: Đổi mới phương thức quản lý

10:16 SA 27/12/2023

 

Hệ thống kênh mương trên địa bàn xã Dương Quan, huyện Thuỷ Nguyên được quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp khang trang. Ảnh: TRUNG KIÊN

 

(HPĐT)- Nhằm phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, dân sinh kinh tế cho các địa phương, các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn thành phố chú trọng đổi mới phương thức quản lý gắn với sắp xếp lao động phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành công trình.

 

Giao khoán quản lý từng công trình đến người lao động

 

Một trong những giải pháp được nhiều công ty quản lý, khai thác công trình các địa phương áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành các công trình thủy lợi đó là thực hiện giao khoán quản lý công trình tới từng người lao động. Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vĩnh Bảo Lê Minh Tân cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác có hiệu quả cao hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn, từ năm 2010, công ty tiến hành giao khoán từng công trình cụ thể tới người lao động. Theo đó, căn cứ thực tế, công ty giao mỗi người lao động quản lý một tuyến kênh, trạm bơm điện hoặc quản lý một cống dưới đê gắn một vài km kênh mương liền kề. Từ việc giao khoán trên người lao động có trách nhiệm cao hơn trong quản lý, vận hành công trình, đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, đê điều.

 

Những năm trước đây, nhiều tuyến kênh trung thủy nông trên địa bàn như Chanh Dương, Liễu Điện, Liễn Thâm, Đồng Ngừ, kênh Giếc, huyện Vĩnh Bảo thường xuyên bị đăng đó, vó bè chăng kín dòng kênh ảnh hưởng tới dòng chảy. Tuy nhiên, sau khi thực hiện giao khoán quản lý từng đoạn kênh đến người lao động, hiện tượng này được giải quyết triệt để. Việc tiêu thoát nước trên những tuyến kênh này được thông thoáng hơn, phục vụ hiệu quả điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Hay như trên tuyến kênh An Kim Hải, Tân Hưng Hồng, Bắc Nam Hùng ở huyện An Dương những năm trước đây, tình trạng người dân vi phạm các công thủy lợi diễn ra khá phổ biến. Từ năm 2013, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải thực hiện giao khoán quản lý từng km kênh tới từng người lao động nên tình trạng vi phạm công trình giảm mạnh.

 

Theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải Vũ Xuân Hạnh, việc giao khoán quản lý từng công trình thủy lợi đến người lao động góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành công trình. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm, xâm phạm công trình thủy nông, thủy lợi, nâng cao chất lượng vận hành công trình. Đơn cử đối với các cống trình cống dưới đê được giao khoán, người lao động sẽ chủ động hơn trong việc lấy nước, trữ nước vào hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Tổng giám đốc Công ty thủy lợi Tiên Lãng Phạm Văn Là thông tin, đến thời điểm này tất cả công trình trạm bơm điện, kênh mương, cống dưới đê, đập điều tiết nước đều được công ty thực hiện giao khoán tới từng người lao động. Việc giao khoán, gắn trách nhiệm người lao động với từng công trình, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành công trình.

 

Tăng cường đầu tư nâng cấp công trình

 

Cùng với thực hiện giao khoán quản lý công trình thủy lợi, thủy nông tới từng người lao động, các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở các địa phương tăng cường khai thác nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ hiệu quả yêu cầu sản xuất, dân sinh. Theo đó, bằng các nguồn vốn, các doanh nghiệp thủy lợi đã đầu tư nâng cấp, cải tạo hàng trăm công trình. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vĩnh Bảo Đỗ Trung Khánh cho hay, 5 năm qua, toàn huyện có gần 50 công trình, hạng mục công trình được đầu tư Trong đó, hoàn thành đầu tư, nâng cấp 20 trạm bơm điện, nhiều tuyến kênh tưới sau trạm bơm điện và nhiều cống dưới đê tại các xã bằng nguồn vốn trung ương, thành phố. Công ty cũng chủ động đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều tuyến kênh tưới sau trạm bơm điện tại các xã: Tân Hưng, Nhân Hòa, Tam Đa, Hòa Bình, Vĩnh Phong, Lý Học, Thắng Thủy… Riêng trong năm 2023, có thêm 4 cống dưới đê gồm: Đồng Chúa, Trung Am, Hà Phương, Thiên Bồng được đầu tư xây mới với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả công trình thuỷ lợi. Vì thế cùng với chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo công trình, năm 2024, đơn vị tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, bố trí, sắp xếp lao động phù hợp tại từng bộ phận, thực hiện giao khoán quản lý công trình cho từng người lao động để khai thác hệ thống công trình thủy lợi ngày càng hiệu quả hơn.…

 

Trước thực tế số lượng công trình thủy lợi công ty tiếp quản từ các xã thị trấn về tăng cao, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải Trần Quang Hoạt cho biết, hệ thống công trình thủy lợi luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh kinh tế địa phương và thành phố. Năm 2023, trên địa bàn huyện An Dương có thêm dự án đầu tư bảo vệ nguồn nước sông Rế được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng với nhiều hạng mục công trình quan trọng. Công ty cũng chủ động đầu tư kè, nạo vét được nhiều tuyến kênh mương. Năm 2024, công ty tiếp tục đổi mới phương thức quản lý gắn chủ đồng rà soát, sắp xếp lao động giữa các bộ phận phù hợp hơn, nhất là bộ phận người lao động trực tiếp quản lý công trình tại cơ sở.