Cảnh giác "chiêu" lợi dụng mua hàng trả góp để lừa đảo
Hình thức mua hàng trả góp trở thành xu hướng được đông đảo người tiêu dùng ưa thích và lựa chọn bởi sự tiện lợi và những ưu đãi về chiết khấu khi tham gia mua sắm. Song, phương thức giao dịch này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho công ty tài chính, khi nó đang trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở, thực hiện ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, không phải ai cũng dễ dàng mua được một vật dụng thiết yếu có giá trị phục vụ cuộc sống. Bởi vậy, phần lớn siêu thị, trung tâm mua sắm áp dụng chính sách mua trả góp hấp dẫn.
Chị Nguyễn Minh Hoa ở phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) chia sẻ: Tôi từng mua trả góp một chiếc máy giặt ở Siêu thị điện máy trên đường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân). Mọi thủ tục dễ dàng, nhanh chóng, vì chỉ cần có bản sao chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe, giấy xác nhận mức lương, hay cung cấp số điện thoại của bản thân hoặc người quen để công ty tài chính xác minh là hoàn tất hồ sơ cho vay và mua hàng.
![]() |
Đa số các cửa hàng mua sắm triển khai hình thức mua hàng trả góp hấp dẫn, là mồi ngon của bọn tội phạm lừa đảo. |
Anh Trương Tùng Dương, nhân viên cửa hàng bán điện thoại trả góp trên phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền) cho biết: Khi mua hàng trả góp, khách hàng sẽ thanh toán một phần giá trị sản phẩm. Số tiền còn thiếu được công ty tài chính cho vay thông qua hợp đồng tín dụng mua hàng trả góp. Tổng số tiền khách hàng phải trả bao gồm tiền mua sản phẩm, tiền lãi phát sinh (nếu có) và tiền bảo hiểm đối với khoản vay. Do đó, khi xảy ra rủi ro, chỉ công ty tài chính chịu thiệt hại.
Ngày 20-6 vừa qua, TAND thành phố xét xử vụ án lừa đảo làm giả giấy tờ mua hàng trả góp để chiếm đoạt tiền. Nội dung vụ án như sau: Từ tháng 6 đến tháng 10-2016, các bị cáo Ram Jack Sinh, Cao Thị Nhung, Phạm Mạnh Minh cùng ở phố Lạch Tray (quận Lê Chân); Nguyễn Văn Chung trú tại xã An Đồng (huyện An Dương); Nguyễn Thị Thu Hồng ở phố Văn Cao, phường Đằng Lâm (quận Hải An) lên mạng internet quảng cáo dịch vụ cho vay họ góp, xin việc làm để lấy chứng minh nhân dân và các giấy tờ tuỳ thân của một số người. Lợi dụng hoạt động cho vay trả góp của Công ty tài chính TNHH một thành viên Home Credit và Công ty tài chính TNHH HD SaiSon, các bị cáo cùng đồng bọn sử dụng bản gốc chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, hộ khẩu của người khác, sau đó thay ảnh của các bị cáo, giả danh người trong các giấy tờ này để ký hợp đồng tín dụng mua điện thoại trả góp. Các bị cáo chọn mua trả góp điện thoại có giá trị cao, sau đó rao bán lại qua mạng, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Sinh, Nhung, Minh, Chung mức án từ 15 tháng tù đến 24 tháng tù; bị cáo Hồng 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo Hội đồng xét xử, tình trạng lừa đảo này xảy ra phần lớn xuất phát từ chính sách và thủ tục cho vay mua hàng trả góp quá lỏng lẻo của các công ty tài chính. Bên cạnh đó, nhân viên thẩm định hồ sơ vay vốn của các công ty cũng không phân biệt được giấy tờ thật, giả. Lợi dụng những sơ hở đó, nhiều kẻ gian sử dụng các loại giấy tờ giả để mua điện thoại di động, các sản phẩm đồ điện tử đắt tiền với số lượng lớn, sau đó bán lấy tiền tiêu xài. Vụ án là bài học cho các công ty tài chính cần quản lý chặt chẽ trong lĩnh vực cho vay mua hàng trả góp. Đồng thời, mọi người dân cần thận trọng, tránh để lộ các thông tin cá nhân và không giao bản chính giấy tờ tuỳ thân cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào để phòng ngừa các vụ việc phức tạp, lừa đảo liên quan đến bản thân.
Mạc Dương