Chăm sóc người cao tuổi thích ứng quá trình già hóa dân số

10:57 CH 30/09/2017

Thành phố Hải Phòng hiện có hơn 28,5 vạn người cao tuổi (NCT), chiếm 14% dân số toàn thành phố, như vậy dân số thành phố đã bước vào giai đoạn già hóa. Để thích ứng với tình trạng này, đòi hỏi thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc NCT, giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ý nghĩa.

Động viên tinh thần

Một ngày của bà Nguyễn Thị Dung, 66 tuổi, ở thôn 7, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên bắt đầu từ sớm với việc cùng các bà trong thôn đi tập thể dục dưỡng sinh. Bà Dung cho biết: “Tôi tham gia câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh 5 năm nay. Sáng nào cũng đi tập đều đặn và thấy người khỏe ra. Trước khi đi tập, tôi chỉ 43kg, nay tăng lên 49 kg, người bớt ốm đau, bệnh tật”. Cùng đi tập thể dục như bà Nguyễn Thị Dung, bà Vũ Thị Gián, 61 tuổi, ở thôn 1 phấn khởi nói “Đi tập còn giúp tôi có thêm niềm vui được gặp các bạn già cùng cảnh để trò chuyện, hỏi thăm nhau, kể chuyện gia đình, chúng tôi thấy tinh thần phấn chấn”. Sáng 28-9, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi (1-10) và nghe hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe tại hội trường UBND xã, gần 20 thành viên đội văn nghệ người cao tuổi xã Chính Mỹ tự tin trình diễn những bài múa quạt, múa hoa sen. Hội NCT xã Chính Mỹ hiện có 3 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng với hơn 100 hội viên thường xuyên luyện tập.

Đội văn nghệ người cao tuổi xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên biểu diễn múa, hát.

Hiện Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố xây dựng và triển khai 48 câu lạc bộ chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng ở 16 xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố. Theo truyền thống “kính trên nhường dưới”, NCT luôn được gia đình, địa phương quan tâm động viên, khích lệ để không mặc cảm sống nhờ con cháu. Nhiều địa phương tổ chức các hoạt động tôn vinh NCT như biểu dương gia đình văn hóa, nêu gương những điển hình sống hiếu hạnh của con cháu với cha mẹ, ông bà. Xã Đặng Cương (huyện An Dương) còn tổ chức tôn vinh các cụ ông, cụ bà bằng lễ cưới tập thể dành cho những cặp cụ ông, cụ bà chung sống với nhau 50 năm trở lên, con cháu thảo hiền, gia đình văn hóa. Thông qua hoạt động nêu gương, biểu dương động viên khích lệ, NCT thêm tự hào, phát huy vai trò “cây cao bóng cả” trong gia đình và xã hội.

Xu thế hiện nay dân số đang già hóa, số lượng NCT tiếp tục tăng. Để phù hợp với thực trạng này, gia đình và xã hội quan tâm đến NCT nhiều hơn, phát huy vai trò của NCT trong đời sống. Ngành dân số tích cực xây dựng các mô hình chăm sóc NCT, động viên NCT phát huy vai trò của bậc ông bà, cha mẹ trong tuyên truyền về chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, không gây áp lực sinh đẻ đối với con cái, nêu gương để con cháu noi theo. Nhiều NCT tiếp tục tham gia cống hiến cho xã hội thông qua hoạt động phát triển kinh tế gia đình, tham gia lao động sản xuất… Điều đó giúp NCT có một phần thu nhập, nhưng quan trọng hơn là giúp NCT cảm thấy cuộc sống vẫn có ý nghĩa.

Chăm sóc sức khỏe

Quan tâm chăm lo đến sức khỏe NCT, Đảng, Nhà nước và thành phố có những chính sách ưu tiên trong khám chữa bệnh. Hiện thành phố chưa có bệnh viện chuyên khoa dành cho NCT, các bệnh viện đa khoa cũng chưa có khoa lão khoa riêng, nhưng khi NCT đến khám, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế đều được ưu tiên.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên khám bệnh phục vụ người cao tuổi.

Bà Trần Thị Nỉ 75 tuổi, ở xã Ngũ Lão huyện Thủy Nguyên đang điều trị huyết áp cao nội trú tại Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên cho biết: “Bác sĩ, y tá bệnh viện rất nhiệt tình, đón tiếp giúp đỡ từ lúc vào khám bệnh, tôi già rồi nên được ưu tiên khám trước, không phải chờ lâu. Hằng ngày bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc đầy đủ. Tôi không có người thân chăm sóc hằng ngày, các y tá đi mua cơm giúp”. Theo bác sĩ Bùi Văn Hải, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên, “Bệnh viện tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NCT khám, chữa bệnh, nhất là những người trên 75 tuổi. Các khoa lâm sàng như Nội tim mạch-Hô hấp; Nội tổng hợp, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng nơi có nhiều NCT thường xuyên điều trị bố trí giường hợp lý. Khoa Khám bệnh bố trí phòng khám bệnh dành riêng phục vụ chăm sóc sức khỏe NCT”. Hằng tháng, số NCT khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên chiếm khoảng 30% tổng số người bệnh. Một số bệnh thường gặp nhiều nhất là đái tháo đường typ 2 (30%); tăng huyết áp (23%), bệnh lý tim mạch và máu (11%).

Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về NCT, đến năm 2016 cả nước ta có hơn 10,1 triệu NCT, chiếm gần 11% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm gần 20% tổng số NCT). NCT có tuổi thọ trung bình khoảng 73,4 tuổi, tuy nhiên tuổi thọ trung bình khỏe mạnh chỉ 64 tuổi. Nhiều NCT có nguy cơ gánh chịu nhiều bệnh tật kép, mắc nhiều bệnh mãn tính thường gặp như tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Sự già hóa dân số nhanh tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống an sinh, việc làm, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ngoài chăm sóc y tế tại các bệnh viện, NCT thành phố được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng và gia đình. Hằng năm, các địa phương đều tổ chức tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe NCT, hướng dẫn NCT tự chữa trị một số bệnh thông thường. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế phối hợp cùng chính quyền địa phương khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí NCT. Để giúp NCT sống vui, sống khỏe mạnh, bên cạnh việc tăng cường đầu tư, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu của ngành y tế, cần sự tham gia chăm sóc của cả cộng đồng, chú trọng lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội. Phát triển hệ thống y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt chăm sóc NCT tập trung vào các bệnh mãn tính. Đồng thời phát huy vai trò NCT trong xã hội, để NCT luôn cảm nhận được sự quan tâm của cộng đồng, gia đình sống lạc quan, vui vẻ.

Bài và ảnh: Huyền Chi