Chung tay bảo vệ trẻ em

05:43 CH 25/06/2022

 

 

Trường mẫu giáo Sao sáng 4 (quận Ngô Quyền) tổ chức truyền thông phòng, chống xâm hại trẻ em đến các bậc cha mẹ và học sinh.

 

(HPĐT)- Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2021, toàn thành phố có 39 trẻ bị xâm hại, 4 trẻ bị bỏ rơi, 13 trẻ bị bạo lực, tăng 10 trường hợp so với năm 2020. Mặc dù các trường hợp trẻ bị xâm hại khi phát hiện đều được ngành LĐ-TB-XH phối hợp các ngành liên quan để hỗ trợ, can thiệp và trợ giúp nhưng con số trên vẫn đáng lo ngại về tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn thành phố.

Nhức nhối tình trạng trẻ bị xâm hại

Ngày 2-5 vừa qua, người dân thành phố xôn xao về việc Công an quận Ngô Quyền bắt giữ khẩn cấp Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1955, trú tại phường Cầu Đất (quận Ngô Quyền) để điều tra về hành vi xâm hại 2 bé gái sinh năm 2009 và 2014 là cháu gái của gia đình hàng xóm ở liền kề với Bình. Vụ án tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xâm hại trẻ em đang diễn biến phức tạp hiện nay, đang được cơ quan công an điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định. Hay ngày 9-6 vừa qua, video xuất hiện trên mạng xã hội facebook ghi lại hình ảnh người đàn ông cao lớn đánh bé gái 4 tuổi trong khu vui chơi tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội), chỉ vì trẻ vô ý ném trái bóng nhựa trúng người, khiến dư luận rất bức xúc. Vụ việc cũng đang được cơ quan công an xác minh làm rõ, để xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, việc xâm hại sức khỏe, thể chất và tinh thần trẻ em cũng diễn ra với nhiều cách thức, mức độ khác nhau. Đơn cử, những lời nói xúc phạm trẻ, những đòn roi dưới danh nghĩa “thương cho roi, cho vọt” cũng phần nào là biểu hiện của việc bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, hình thức xâm hại này lại chưa được nhiều người nhìn nhận đúng đắn.

Theo Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND thành phố) Đặng Hồng Điệp, qua các vụ án cho thấy, trẻ bị xâm hại tình dục, sức khỏe, tinh thần phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc ly thân hay ly hôn, trẻ không được quản lý, quan tâm đầy đủ. Các đối tượng phạm tội ở đủ mọi lứa tuổi, thậm chí là người thân, hàng xóm, người quen trên mạng xã hội của nạn nhân. Những nằm gần đây, các vụ án xâm hại người chưa thành niên năm sau luôn có xu hướng cao hơn năm trước. Do đó, chính quyền địa phương, cơ quan công an, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về loại tội phạm này.

Hãy lên tiếng…

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, tiến sĩ tâm lý Đoàn Minh Tỵ, nguyên Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục (Trường đại học Hải Phòng) cho rằng, quan niệm “đấy là chuyện trong nhà” vẫn tồn tại. Vì thế, đôi khi chính người thân chưa phát huy vai trò hay trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em. Nhiều gia đình phát hiện ra vẫn nghĩ rằng cần “đóng cửa bảo nhau”, nên che giấu, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc. Hay nhiều bố mẹ còn chủ quan trước những biểu hiện của đối tượng có hành vi xâm hại với con mình. Bởi vậy, bảo đảm môi trường sống lành mạnh, an toàn là điều đặc biệt quan trọng trong phòng ngừa xâm hại trẻ. Bố mẹ, gia đình cần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ, thường xuyên quan tâm, dạy trẻ những quy tắc như bảo vệ thân thể, ranh giới cá nhân, không giữ bí mật với cha mẹ khi bị đe dọa, đề cao cảnh giác cả với những người thân thiết… Đặc biệt cần mạnh dạn lên tiếng với các biểu hiện xâm hại dù về tinh thần hay sức khỏe của trẻ ngay khi đối tượng là người thân trong nhà.

Theo luật sư Trần Thị Kim Dung, Trưởng Văn phòng luật sư Dung Trần và cộng sự, hiện còn thiếu những thiết chế giám sát của cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bởi vậy, ngành chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, mạnh dạn lên tiếng, tố giác các hành vi, các nghi ngờ đối với biểu hiện xâm hại trẻ em, không nên để xảy ra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng rồi mới giải quyết, can thiệp. Việc giải quyết của các cơ quan chức năng, đặc biệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các vụ việc xâm hại trẻ em rất cần thiết nhưng công tác phòng ngừa mới là quan trọng.

Khắc phục tình trạng này, hằng năm, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và thành viên Ban điều hành hệ thống bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp. Cùng với đó là các hoạt động giáo dục kỹ năng trong tình huống nguy hiểm, phòng, chống xâm hại trẻ, các quy tắc phân biệt nhóm người thân và mức độ tiếp xúc cho trẻ em, người nuôi dưỡng trẻ và cán bộ, giáo viên; tổ chức các mô hình, câu lạc bộ bảo vệ trẻ em. Sở cũng thông tin, báo cáo kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhằm tăng cường phối hợp hỗ trợ; kiểm tra định kỳ hằng năm việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em ở các địa phương.

Tuy nhiên, những vụ trẻ em bị xâm hại trẻ đều để lại hậu quả nặng nề, không chỉ về thể chất mà còn tác động tiêu cực đến tinh thần khiến trẻ luôn sống trong sợ hãi, ám ảnh, khó hòa nhập lại với cộng đồng. Bên cạnh các giải pháp của cả hệ thống chính trị, hơn ai hết, cha mẹ và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn về công tác giáo dục, chăm sóc bảo vệ trẻ em. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ trẻ cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”- là thông điệp được truyền đi trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Mỗi cá nhân và toàn xã hội hãy lên tiếng và hành động bằng cách gọi ngay đến đường dây nóng của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hay tố giác đến cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em gần nhất ngay khi phát hiện, nghi ngờ có hành vi xâm hại, bạo lực trẻ./.

 

 

Năm 2021, toàn quốc phát hiện 1.914 vụ xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em nói chung với 2.198 đối tượng vi phạm, 1.987 em bị xâm hại. Tổng đài 111 kết nối, can thiệp 1.257 vụ việc trong đó có 205 vụ xâm hại tình dục trẻ em. (Theo báo cáo của Bộ Công an gửi Quốc hội ngày 22-2-2022).