Tạo hành lang pháp lý thuận lợi đối với các doanh nghiệp viễn thông: Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thành phố

10:28 SA 06/04/2025

(HPĐT)- Đầu tháng 4-2025, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong hoạt động công nghiệp công nghệ số tại một số doanh nghiệp. Kết quả khảo sát thực tiễn là “chất liệu” để Đoàn tổng hợp, kiến nghị với Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số tại kỳ họp tới đây. Trên cơ sở đó, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động công nghiệp, công nghệ số trên địa bàn phát triển bứt phá.

 

Nhân viên VNPT Hải Phòng sáng tạo các phần mềm góp phần chuyển đổi số thành phố. Ảnh: TRUNG KIÊN

 

Tích cực tham gia chuyển đổi số 

Báo cáo với Đoàn khảo sát, ông Lê Hồng Thắng, Phó giám đốc Viettel Hải Phòng - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel cho biết, Viettel Hải Phòng là đơn vị đầu tiên khai trương kinh doanh dịch vụ 5G tại Việt Nam, đồng thời là đơn vị đồng hành với thành phố triển khai nhiều dự án quan trọng. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 của đơn vị đứng thứ 8 về quy mô doanh thu so với Viettel toàn quốc; tổng doanh thu dịch vụ tăng trưởng đạt 8,8% thị phần thuê bao di động, đạt gần 1,2 triệu thuê bao chiếm thị phần số 1 (55,5%) và đạt gần 140.000 thuê bao cố định băng rộng. Tham gia hoạt động chuyển đổi số của thành phố, Viettel Hải Phòng là một trong số các nhà thầu tham gia gói thầu “Thực hiện một số nội dung xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021- 2025”; đồng hành với thành phố triển khai lắp tiếp các điểm camera phạt nguội trên địa bàn, hỗ trợ hệ thống kênh truyền và vận hành hệ thống hội nghị truyền hình thành phố, mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố. Cùng với đó, Viettel Hải Phòng triển khai chuyển đổi số cho các ngành Giáo dục, Y tế và hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt... 

Ông Nguyễn Hải Anh, Trưởng đại diện, Giám đốc VNPT Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 1.640 tỷ đồng, năm 2024, đơn vị đạt doanh thu địa bàn hơn 1.107 tỷ đồng, nộp ngân sách thành phố 66,6 tỷ đồng... Thực hiện Nghị quyết 03/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, VNPT Hải Phòng ưu tiên dịch chuyển nguồn lực sang sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ số. Đơn vị đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp hạ tầng số, tư vấn cho thành phố và nhiều sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số, góp phần từng bước xây dựng chính quyền số và kinh tế số thành phố, nâng cao chỉ số xếp hạng về chuyển đổi số và cải cách hành chính cho chính quyền thành phố trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố.

Kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn 

Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện lãnh đạo hai doanh nghiệp viễn thông nêu một số vướng mắc, khó khăn trong thi hành pháp luật hoạt động công nghiệp công nghệ số, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như phục vụ công tác chuyển đổi số của thành phố. Cụ thể, theo đại diện VNPT Hải Phòng, Luật Viễn thông 2023 cho phép được lắp đặt công trình viễn thông trên đất thuộc diện được Nhà nước giao không thu tiền, thông qua cơ chế thỏa thuận có thu, nhưng Luật Đất đai 2024 lại không cho chủ sử dụng đất được quyền cho thuê đất. Mâu thuẫn giữa hai luật gây khó khăn cho doanh nghiệp viễn thông trong việc thuê điểm phát triển hạ tầng, lắp đặt các trạm phát sóng. Bên cạnh đó, mặc dù Luật Viễn thông 2023 quy định cho phép lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản công dựa vào cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp viễn thông với chủ sử dụng tài sản công. Tiền thu được từ thỏa thuận lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản công được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể nào về khung giá cho việc sử dụng tài sản công để lắp đặt trạm viễn thông, việc này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp viễn thông và chủ sử dụng tài sản công trong việc thỏa thuận… 

Khẳng định dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số khi được ban hành sẽ tạo ra khung pháp lý rõ ràng và minh bạch, để các doanh nghiệp viễn thông hoạt động hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các ngành kinh tế - xã hội của thành phố. Vì thế, các doanh nghiệp viễn thông đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị với Quốc hội thông qua dự thảo luật kể trên tại kỳ họp tới cũng như có giải pháp chỉ đạo sửa đổi, điều chỉnh, khắc phục các mâu thuẫn trong một số luật hiện hành để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho doanh nghiệp viễn thông hoạt động. Đồng thời, Đoàn đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp triển khai hạ tầng trên đất công cũng như cơ quan, tổ chức được giao sử dụng tài sản công. 

Với vai trò, trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, đồng chí Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông đối với công tác chuyển đổi số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Đồng thời đề nghị, hai doanh nghiệp tiếp tục bổ sung những kiến nghị cụ thể đóng góp vào dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số cũng như những vướng mắc, khó khăn khi thi hành pháp luật trong hoạt động công nghiệp công nghệ số để Đoàn tổng hợp vào báo cáo chung gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập