Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong trồng trọt: Tăng sức cạnh tranh, mở hướng phục vụ xuất khẩu
(HPĐT)- Giai đoạn 2025-2030, thành phố có kế hoạch xây dựng 333 vùng sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung, với diện tích hơn 10 nghìn ha, trên cơ sở đó khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Để đạt được mục tiêu này, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp thực tiễn sản xuất và linh hoạt hơn của thành phố.
Tiếp thu nhanh tiến bộ kỹ thuật
Giám đốc HTX nông nghiệp Thụy Hương Nguyễn Thị Hà cho biết, do mở rộng quy mô và diện tích nên nếu đơn vị sản xuất theo phương pháp truyền thống như trước đây khó đạt hiệu quả kinh tế cao. Do đó, thời gian qua, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, nhất là chủ động mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại như: máy bay không người lái, máy cày không người lái có gắn hệ thống điều khiển tự động; các loại máy gặt đập cỡ lớn. Đặc biệt, năm 2024, được sự hỗ trợ của một số tổ chức, HTX đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát thóc hiện đại, công suất lớn. Hiện, HTX có 8 sản phẩm gạo ruộng rươi và gạo chất lượng cao đều được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao...
Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng ( Sở Nông nghiệp và Môi trường), gần đây, nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, góp phần tăng sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số doanh nghiệp, HTX, hộ dân áp dụng hệ thống tưới tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng, ứng dụng công nghệ chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED góp phần tiết kiệm công lao động, tăng năng suất cây trồng; sử dụng máy bay không người lái trong gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa...
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung rõ ràng đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tuy nhiên, nhiều nông dân gặp vướng mắc, khó khăn do chi phí đầu tư khá lớn. Cụ thể, máy bay không người lái có thiết bị điều khiển từ xa dao động ở mức 300-400 triệu đồng/chiếc, máy cày không người lái hay máy gặt đập giá từ 500-600 triệu đồng/chiếc... Đặc biệt, dù ứng dụng công nghệ cao, nhưng do đặc thù sản xuất nông nghiệp ngoài trời nên khó tránh khỏi rủi ro thời tiết, trong khi sản xuất nông nghiệp thu nhập chưa cao. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão) cho biết, để trồng dưa lê Hàn Quốc, bên cạnh đầu tư 2 nhà lưới, anh còn đầu tư một số loại máy như máy cắt cỏ, lên luống, hệ thống điều khiển tự động tưới nhỏ giọt... Tuy nhiên, bão số 3 làm sập hoàn toàn 2 nhà lưới. Đến nay, anh Hùng huy động vốn từ nhiều nguồn mới đủ kinh phí dựng lại một nhà lưới. Mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng anh Hùng chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của thành phố...
Linh hoạt cơ chế, chính sách hỗ trợ
Hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, thời gian qua, Sở Nông nghiệp - Môi trường tham mưu thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp - thủy sản như: Nghị quyết 15, Nghị quyết 19 của HĐND thành phố về phát triển nông nghiệp, thủy sản; phát triển rau, quả trên địa bàn thành phố... Sở yêu cầu các cơ quan chức năng trực thuộc thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo về ứng dụng, trình diễn tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận. Cụ thể, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt Hải Phòng tổ chức một số hội nghị đầu bờ giới thiệu tiến bộ kỹ thuật về máy bay không người lái, máy cày có gắn hệ thống điều khiển tự động... giúp nông dân, các HTX có thể tham khảo và ứng dụng.
Tại hội nghị trình diễn máy cày không người lái gắn thiết bị điều khiển tự động tại xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) gần đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Thanh Tùng cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt là xu hướng tất yếu. Vì vậy, dưới sự hỗ trợ của cán bộ ngành nông nghiệp, nông dân cần tích cực đầu tư, sử dụng các loại máy móc hiện đại, chủ động ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Cao Thanh Huyền cho rằng, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sẽ mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, không chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu. Vì vậy, bên cạnh giới thiệu, hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân, rất cần tập huấn, hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, như năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng kết nối với doanh nghiệp đưa các sản phẩm thanh long ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP trồng ở xã Bát Trang tiêu thụ tại các siêu thị.