Công bố các vị trí tiếp nhận chất nạo vét luồng lạch: Góp phần phát triển kinh tế biển
Việc bố trí điểm tiếp nhận chất nạo vét luồng bảo đảm độ sâu luồng hàng hải để hệ thống cảng của Hải Phòng hoạt động hiệu quả cao.
Trong ảnh: Nạo vét luồng vào Cảng Hải Phòng.
(HPĐT)- Ngày 6-4-2021, UBND thành phố có văn bản số 2146 về việc phê duyệt danh mục các vị trí tiếp nhận chất nạo vét trên bờ và ngoài biển. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thành phố công bố cụ thể về các điểm, vị trí được phép nhận chìm chất nạo vét. Từ đó, khắc phục những vướng mắc, khó khăn do thiếu điểm tiếp nhận chất nạo vét nhiều năm qua.
Hải Phòng hiện có hơn 40 cảng biển lớn, nhỏ. Việc nạo vét và nhận chìm chất nạo vét là hoạt động thường xuyên để bảo đảm độ sâu luồng lạch hàng hải để tàu bè lưu thông hay xây dựng cảng biển. Tuy vậy, đây cũng là hoạt động nhạy cảm khi dễ phát sinh vấn đề môi trường khó kiểm soát. Nắm bắt nhu cầu thực tế, bám sát các quy định, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TNMT), Sở TNMT tham mưu với thành phố xác định những vị trí, điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ và ngoài biển, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, lợi ích kinh tế.
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo (Sở TNMT), thực hiện chỉ đạo của thành phố, định kỳ hằng năm, Chi cục tham mưu với Sở TNMT những vị trí được phép nhận chìm, tiếp nhận chất nạo vét. Việc xác định những điểm tiếp nhận chất nạo vét bảo đảm tuân thủ quy định, hướng dẫn tại Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam. Đó là: khu vực nhận chìm chất nạo vét bảo đảm không gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản. Khu vực để nhận chìm bảo đảm hài hòa giữa chi phí cho việc nhận chìm, các lợi ích thu được và mục tiêu bảo vệ môi trường biển; điều kiện thời tiết biển theo mùa và chủng loại, thông số kỹ thuật của các phương tiện, trang thiết bị dùng để vận chuyển; tiết kiệm chi phí vận chuyển và thi công việc nhận chìm chất nạo vét. Các điểm nhận chìm được xác định tọa độ chính xác, chi tiết, giúp việc kiểm tra, giám sát, quan trắc khu vực nhận chìm chất nạo vét chặt chẽ. Vật chất nạo vét, nhận chìm cũng được phân tích, đánh giá cụ thể về đặc điểm thành phần, tính chất vật lý, hàm lượng chất gây ô nhiễm; khả năng lắng đọng; mức độ khả dụng sinh học chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét...
Bên cạnh đó, việc thành phố có quy hoạch không gian biển tích hợp đề án Quy hoạch chung xây dựng Hải Phòng đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 giúp việc xác định vị trí tiếp nhận chất nạo vét bảo đảm phù hợp các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường của thành phố.
Theo ông Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, luật của Việt Nam cũng như quốc tế coi nhận chìm chất nạo vét luồng lạch là hoạt động kinh tế. Nếu không có hoạt động này, thì kinh tế hàng hải không phát triển được. Kinh tế hàng hải là “quả tim” của 13 ngành kinh tế biển. Do đó, nhận chìm chất nạo vét luồng là hoạt động kinh tế bắt buộc, phải được chuẩn bị rất chu đáo về mặt pháp luật, đánh giá tác động, tìm vị trí, thời gian, công nghệ, chủ đầu tư, nguồn vốn... để tránh sai mục tiêu nạo vét.
Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4 nghìn km², gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố, chiếm 5,4% diện tích và 10,5% dân số của vùng vịnh Bắc bộ. Việc xây dựng, xác lập điểm tiếp nhận chất nạo vét phù hợp quy hoạch không gian biển góp phần để Hải Phòng thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Năm 2021, toàn thành phố xác lập được 6 vị trí tiếp nhận chất nạo vét gồm cả ngoài biển và trên bờ. Một số vị trí ngoài biển đáng chú ý là: Dự án khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng với 3 bãi chứa, tổng dung tích hơn 3,8 triệu m3; dự án khu vực bãi bồi ngoài đê xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên) gồm 2 khu vực với độ cao bãi đổ lên đến 4 m, tổng dung tích chứa vật liệu khoảng 631 triệu m3. Ngoài ra, còn có Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 1) với độ cao bãi đổ thải 3 m, tổng dung tích chứa chất nạo vét dự kiến 2,4 triệu m3. Ở một số vị trí, chất nạo vét được sử dụng làm vật liệu san lấp, tiết kiệm tài nguyên môi trường, như khu vực dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp DEEP C3, có độ cao bãi đổ thải 3,5 m, dung tích 2 triệu m3./.