Đưa hoạt động du lịch và công tác bảo đảm ATGT trên các vịnh Cát Bà vào nền nếp, ổn định: “Sống còn” đối với du lịch “đảo Ngọc”

03:23 CH 28/06/2018

 

Các lực lượng chức năng huyện Cát Hải thu gom giàn bè nuôi thủy sản trên vịnh Gia Luận.

   

Vẫn chưa rõ trách nhiệm


Sau sự cố du khách người Australia “tố” tàu chở khách du lịch trên vịnh Cát Bà “nhếch nhác, bẩn thỉu”, giữa tháng 6-2018, đoàn kiểm tra liên ngành của Ban ATGT thành phố thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động của các phương tiện thủy chở khách du lịch trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. “Cháy nhà ra mặt chuột”, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, không chỉ tàu HP 4686 (tàu bị du khách “tố”), mà hầu hết 101 tàu chở khách du lịch theo giờ và chở khách lưu trú qua đêm tại khu vực này “có vấn đề”. Cụ thể, 3 tàu bị tạm đình chỉ hoạt động do không bảo đảm các tiêu chuẩn về du lịch, như: nhà vệ sinh bẩn, vòi nước bị hỏng, phòng khách không bảo đảm mỹ quan, vệ sinh… Biết không thể giấu giếm, chủ 9 phương tiện “xin tạm dừng hoạt động để tự khắc phục” do hết hạn đăng kiểm, bố trí không đủ định biên thuyền viên… Ngoài 12 tàu kể trên, hầu hết tàu còn lại đoàn yêu cầu, muốn tiếp tục hoạt động, phải bổ sung, hoàn thiện nhiều loại giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, như: giấy chứng nhận an ninh trật tự; tập huấn kỹ năng cứu hộ trên sông biển, cứu sinh, cứu hỏa, sơ cứu y tế; chứng chỉ phòng cháy chữa cháy…


Thực tế hầu hết tàu chở khách du lịch trên các vịnh Cát Bà “có vấn đề” đặt ra câu hỏi về công tác vận hành, quản lý hoạt động du lịch tại đây. Để tình trạng này xảy ra liên tục trong nhiều năm, liệu chính quyền địa phương, cơ quan, ban ngành chức năng liên quan không biết, hay biết nhưng làm ngơ, “lực bất tòng tâm”, thậm chí đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm? Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn T. giám đốc một doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố bức xúc, doanh nghiệp của anh nhiều lần đưa khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng trên các vịnh Cát Bà và không ít lần nghe phàn nàn về chất lượng dịch vụ. Anh nhiều lần phản ánh với chủ tàu, nhưng họ “à, ừ” rồi… đâu hoàn đó. Anh T. khẳng định, không thể có chuyện cả trăm tàu chở du khách không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn lưu hành và chở khách du lịch mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý không biết.


Được biết, sau đợt thanh, kiểm tra toàn diện vừa qua, ngoài kiên quyết xử lý các tàu chở khách du lịch không bảo đảm, Ban ATGT thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành nhanh chóng thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ thuộc chức năng, thẩm quyền. Trong đó, UBND huyện Cát Hải tham mưu UBND thành phố phê duyệt quy hoạch, quản lý địa điểm neo đậu cho tàu thủy lưu trú du lịch qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan căn cứ tình hình thực tế về điều kiện an toàn của phương tiện, cảng bến, thời tiết và nhu cầu đi lại của hành khách cho phép các tàu vận chuyển khách tham quan du lịch được hoạt động, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hành khách và phương tiện trong quá trình hoạt động. Sở Du lịch tham mưu với thành phố ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ vận hành, khai thác tàu, nhân viên tham gia hoạt động dịch vụ du lịch.


Tuy nhiên, câu hỏi cơ quan, đơn vị, người đứng đầu nào sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào nếu sự cố tương tự xảy ra vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.



Liệu có dẹp được số lồng bè trên vịnh đúng hạn?


Bên cạnh phương tiện không bảo đảm điều kiện lưu hành và tiêu chuẩn chở khách du lịch, hệ thống lồng bè nuôi trồng thuỷ sản tràn lan trên các vịnh Cát Bà có ảnh hưởng xấu tới du lịch “đảo Ngọc” cũng như tình hình trật tự giao thông đường thuỷ nội địa. Theo giám đốc Ban quản lý các vịnh Cát Bà Nguyễn Công Hòa, hiện trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 442 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Từ đầu năm 2018, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, huyện Cát Hải kiên quyết tập trung cắt giảm các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Theo kế hoạch, trước ngày 30-6-2018, huyện Cát Hải sẽ chấm dứt nuôi nhuyễn thể trên giàn bè. Còn tình trạng nuôi nhuyễn thể trên các bãi triều, rạn ngầm tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà sẽ chấm dứt trước ngày 30-11-2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi còn chưa đầy 10 ngày đến “hạn cuối” ngày 30-6, số lượng lồng bè trên các vịnh Cát Bà còn khá nhiều. Các hộ nuôi quyết tâm giữ lồng bè và đề nghị huyện cho nuôi nốt vụ (dự kiến đến cuối năm 2018). Vì vậy, huyện Cát Hải còn lúng túng và chưa đưa ra giải pháp cụ thể trước sự “quyết tâm” của người dân. Vì thế, sau ngày 30-6, các vịnh Cát Bà khó sạch bóng lồng bè như lộ trình đề ra.


Ngoài lồng bè, các vịnh Cát Bà còn nhức nhối bởi nạn tàu xi-măng (những ụ nổi làm bằng xi-măng để chứa đồ). Theo thống kê, có 89 tàu xi-măng hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan và không bảo đảm an toàn giao thông cho các tàu du lịch. Trước thực trạng này, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, từ đầu năm, UBND huyện Cát Hải đưa ra lộ trình đến hết tháng 4-2018, đưa các tàu xi-măng, các phương tiện khai thác, cơ sở sửa chữa cơ khí ra khỏi khu vực các vịnh Bến Bèo, Lan Hạ. Không giống như tình trạng lồng bè còn nhùng nhằng, hết tháng 4-2018, huyện thành công trong việc dẹp “nạn” tàu xi-măng.


Thực tế dẹp được tàu xi-măng mà chưa dẹp được lồng bè đặt ra cho chính quyền huyện Cát Hải cũng như các cơ quan chức năng liên quan vấn đề về công tác dân vận, tìm hiểu nắm rõ tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân. Vướng mắc lớn nhất khiến người dân “chây ỳ” không chịu dỡ bỏ, di chuyển lồng bè là quyền lợi. Huyện nên đề xuất thành phố thêm cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nuôi lồng bè làm dịch vụ du lịch có thêm thu nhập. Nếu cứng nhắc áp dụng cơ chế, quyết định, kế hoạch…, khó có thể thuyết phục họ tự nguyện tháo dỡ, di dời.



Thay lời kết


Hiện mỗi ngày có gần 10 nghìn du khách tham quan các vịnh Cát Bà, trong đó, gần 40% là du khách nước ngoài. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên các vịnh Cát Bà cũng như hoạt động của các tàu du lịch sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định tiếp tục đi- ở hay trở lại của du khách. Nên nhớ, thu hút, giữ chân khó một, lấy lại niềm tin của du khách khó gấp trăm, gấp nghìn lần.

 

Bảo Nam