Hoạt động mua, bán hàng xách tay : Có “gậy” vẫn khó quản lý
Người tiêu dùng nên mua hàng hóa nhập khẩu thay vì hàng xách tay không rõ nguồn gốc.
(HPĐT)- Sau 15 ngày có hiệu lực thi hành, tính từ ngày 15-10-2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từng bước đi vào cuộc sống. Song, tại các cửa hàng, trên các trang mạng xã hội, trang bán hàng trực tuyến, hoạt động mua bán hàng xách tay vẫn diễn ra sôi nổi.
Người bán, người mua “thờ ơ”
Hàng xách tay là hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, được các cá nhân đưa vào Việt Nam với số lượng ít, nên được khai báo trong danh mục hàng cá nhân, không bị đánh thuế, không chịu kiểm tra chất lượng như hàng nhập khẩu sử dụng cho mục đích khác. Về nguyên tắc, hàng xách tay là hàng dùng cho cá nhân, không nhằm mục đích kinh doanh, mua bán. Tuy nhiên, thời gian qua, đánh vào tâm lý người tiêu dùng nên thị trường hàng xách tay mua bán rất sôi động, đặc biệt trên các kênh bán hàng online. Song, theo nhiều chuyên gia, thị trường này vàng thau lẫn lộn, thậm chí, hàng xách tay thật thì ít, mà hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trà trộn gắn mác xách tay chiếm phần nhiều. Mặc dù Nghị định 98 có hiệu lực thi hành, nhưng tại các cửa hàng và trên các trang mạng xã hội, bán hàng online, các hoạt động quảng cáo, mua bán hàng xách tay vẫn diễn ra công khai, tràn lan.
Nghị định 98/2020 của Chính phủ khi ban hành được nhiều người kỳ vọng là vòng “kim cô” để quản lý việc mua bán hàng xách tay. Hiện nay, hàng xách tay chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa bột dinh dưỡng, quần áo… được người du lịch, thăm thân từ nước ngoài mang về Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người buôn bán hàng xách tay vẫn tỏ ra thờ ơ với quy định này. Dọc các tuyến phố trung tâm như Đà Nẵng, Lê Hồng Phong, Lạch Tray (quận Ngô Quyền), Đình Đông, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân), Lãn Ông, Phan Bội Châu, Minh Khai (quận Hồng Bàng)… có nhiều cửa hàng bán hàng nhập khẩu chính ngạch xen lẫn hàng xách tay. Ghé một cửa hàng trên phố Đình Đông (quận Lê Chân) chuyên bán đồ xách tay là sữa bột dinh dưỡng và các sản phẩm cho trẻ được quảng cáo là xuất xứ từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác, nhân viên bán hàng vô tư cho biết, đến nay vẫn không nắm được quy định xử phạt mới liên quan đến mặt hàng này. Sản phẩm hàng xách tay của cửa hàng vẫn có mức tiêu thụ như trước đây, chủ yếu bán trên kênh online qua trang facebook của cửa hàng. Bán chạy nhất vẫn là sản phẩm sữa bột dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cho bé xách tay từ Anh, Australia, Nhật Bản… Giá mỗi hộp sữa bột dinh dưỡng loại 800g ở đây có giá từ 450.000 đồng đến 650.000 đồng tùy loại, thậm chí không chênh lệch giá so với hàng nhập khẩu chính hãng của các loại sữa tương tự. Tại cửa hàng bán mỹ phẩm khác trên phố Ngô Gia Tự (quận Hải An), khi được hỏi từ ngày 15-10, buôn bán hàng xách tay nhập lậu sẽ bị xử phạt rất nặng, chủ cửa hàng, thậm chí cho rằng sẽ chuyển hướng bán online để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Cần kiểm soát kênh bán hàng qua mạng
Trưởng Văn phòng luật sư Tâm Nhân và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố) Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: Nghị định 98 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được nâng cao hơn rất nhiều so với Nghị định 185 trước đó, lên đến 200 triệu đồng để răn đe đối tượng vi phạm. Đó cũng là hành lang pháp lý giúp đấu tranh hiệu quả hơn với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nhập lậu nói chung. Song, tình trạng kinh doanh hàng xách tay núp bóng dưới nhiều hình thức, các cá nhân bán loại hàng này thường mang lượng hàng nhỏ lẻ theo mức cho phép đối với cá nhân xách tay về sử dụng, sau đó gom lại rồi bán qua facebook, zalo..., nên cơ quan chức năng khó xác định được hành vi nào vi phạm kinh doanh hàng xách tay khi họ cố tình trốn tránh. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát kênh bán hàng qua mạng, từ đó mới có cơ sở để áp dụng mức xử phạt.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Nguyễn Bình Minh cho rằng: Nhiều đối tượng kinh doanh lấy mác hàng xách tay, nhưng thực chất là kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng chứ không phải hàng chính hãng. Người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn và bị thua thiệt khi mua phải những mặt hàng này. Do đó, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận không nên sử dụng hàng xách tay. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương có những biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hơn, đặc biệt, tăng cường vai trò an ninh mạng để theo dõi, quản lý hoạt động thương mại điện tử nhằm phát hiện, xử phạt, ngăn chặn các trường hợp kinh doanh hàng xách tay. Có như vậy mới bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa nhà sản xuất, thương gia và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.