Khắc phục thiệt hại về thủy sản

Cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Hải Thành (quận Dương Kinh) tập trung khôi phục sản xuất.
(HPĐT)- Sau bão, Hải Phòng có 4.655 ha thủy sản của các địa phương bị ngập, tràn, vỡ bờ, nhiều diện tích nuôi mất trắng, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Để kịp thời khắp phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, người dân phục hồi sản xuất.
Khẩn trương khắc phục thiệt hại
Những ngày này, người dân các địa phương đang tập trung vật tư, nhân lực khôi phục thiệt hại, tu sửa cơ sở hạ tầng vùng nuôi và các điều kiện phục vụ nuôi trồng để sớm phục hồi sản xuất thủy sản sau bão. Tại vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản (NTTS) của xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo), người dân tháo nước, vét bùn tu sửa bờ đầm bở thửa, cải tạo vùng nuôi, vệ sinh môi trường để đưa con giống mới vào sản xuất.
Tại các vùng NTTS khác như Giang Biên, Vĩnh An, Tiền Phong, Vĩnh Phong, Đồng Minh, Trung Lập, An Hòa… của huyện Vĩnh Bảo và các vùng NTTS của các huyện: Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, Cát Hải, quận Dương Kinh, Đồ Sơn cũng có hàng nghìn hộ NTTS và các cơ sở NTTS bị thiệt hại nặng đến thời điểm này vẫn chưa gượng dậy. Hiện các cơ sở và các hộ NTTS tại các địa phương đang tích cực tu sửa dụng cụ, trang thiết bị, vệ sinh đầm nuôi, thau rửa nguồn nước để sớm đưa con giống vào sản xuất. Đại diện Công ty TNHH Sơn Trường cho biết, bão số 3 làm gãy đổ toàn bộ kết cấu 126 ô nuôi tôm nhà bạt và nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ nuôi thả, cộng với mất điện nên tôm trong các nhà bạt chết khá nhiều, tổng thiệt hại của đơn vị khoảng hơn 20 tỷ đồng. Hiện công ty đang cho khôi phục lại nhà bạt nuôi tôm nhưng nhanh cũng phải mất 1-2 tháng mới có thể đưa con giống vào sản xuất. Cũng thiệt hại như cơ sở nuôi tôm của Công ty TNHH Sơn Trường tại xã Phù Long (huyện Cát Hải), cơ sở nuôi cá của anh Phạm Văn Nhiều, chị Ngô Thị Lụa ở xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) sập đổ 120 lồng nuôi cá, nước tràn bờ khiến hơn 70% số cá nuôi bị chết, thất thoát, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Với những cơ sở sản xuất NTTS quy mô lớn, việc khôi phục sản xuất sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí.
Sau bão số 3 đến nay, các cơ sở sản xuất, hộ nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố phối hợp chính quyền địa phương thống kê thiệt hại, đồng thời tập trung sửa chữa đầm ao, đầu tư giống vốn để sớm khôi phục sản xuất.
Nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời
Theo thống kê sơ bộ ban đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thiệt hại do bão số 3 khiến nhiều diện tích mất trắng, không cho thu hoạch khiến nhiều gia đình lao đao, nhất là đối với những hộ đầu tư sản xuất quy mô lớn. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Bá Công cho biết, nhằm sớm khắc phục thiệt hại sau bão và khôi phục lại sản xuất, Sở thành lập các đoàn kiểm tra thống kê thiệt hại, đồng thời kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị, người dân khẩn trương vào cuộc khôi phục sản xuất. Trước mắt, tập trung tổ chức thu gom xử lý rác thải, chất thải, thuỷ sản chết tại các ao, đầm nuôi và hệ thống kênh, mương trên địa bàn tránh gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi. Trong đó, không xả thải nước ao, đầm chưa qua xử lý và xác thủy sản nuôi chết ra môi trường bên ngoài; chú trọng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu điều kiện khắc nghiệt trên sông, trên biển gắn với chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, nguyên, nhiên vật liệu, dụng cụ cần thiết để ổn định sản xuất, sẵn sàng thả con giống các diện tích bị thiệt hại do bão số 3 khi các điều kiện cho phép.
Mặt khác, Sở yêu cầu các địa phương tổ chức thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, kịp thời tổng hợp nhu cầu hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản; xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản sau bão phù hợp với điều kiện địa phương (kế hoạch sản xuất, cung cấp giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư phục vụ sản xuất, gia cố ao đầm, lồng bè…). Để hỗ trợ người nuôi sớm khôi phục sản xuất, trong thời gian từ ngày 11-9 đến hết tháng 10-2024, Sở giao các cơ quan chuyên môn cử cán bộ, chuyên viên bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở NTTS, các hộ nuôi thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa bão, ngập lụt xảy ra.
Trong quá trình thực hiện, Chi cục Thủy sản phối hợp các Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các quận, huyện thực hiện quan trắc môi trường, thông tin dự báo về tình hình môi trường, thời tiết tới ngư dân; nắm bắt tình hình sản xuất, kịp thời tổng hợp, tham mưu xử lý, bảo đảm công tác chỉ đạo sản xuất hiệu quả. Hướng dẫn các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, đặc biệt tại các vùng bị ảnh hưởng do mưa bão, lũ; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất xử lý, dự phòng theo đề xuất, nhu cẩu của các địa phương để khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ gây ra. Các công ty thủy lợi chủ động điều tiết, làm sạch nguồn nước cung cấp đầy đủ nguồn nước cho các vùng NTTS trên địa bàn gắn với chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng các công trình đầu mối, rà soát, quy hoạch lại các vùng NTTS tập trung bảo đảm hiệu quả, an toàn phù hợp với từng đối tượng nuôi.
Đồng thời, Sở phối hợp các địa phương lập danh sách cụ thể từng cơ sở, từng trường hợp bị thiệt hại để đề xuất trung ương, thành phố có cơ chế hỗ trợ người dân về giống, vốn; đề xuất ngân hàng hoãn, giãn nợ, giảm lãi đối với các khoản vay của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản...