Chủ động tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi: Biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh

09:57 SA 14/06/2024

 

Một số hộ chăn nuôi ở xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) chưa chú trọng tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn.

 

(HPĐT)- Mặc dù trên thị trường hiện nay lưu hành 2 loại vaccine phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và được cơ quan chức năng thành phố tuyên truyền, phổ biến đến người chăn nuôi nhưng số lượng người chăn nuôi sử dụng vaccine còn ít. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi tái lại, xảy ra rải rác tại một số hộ dân trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy những ngày qua.

Chưa chú trọng

Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp tiên phong nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi là Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco và Công ty TNHH MTV AVAC. Các công ty này có quá trình nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vaccine nói trên hiệu quả tại các trang trại chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành phố, được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Tại Hải Phòng, từ giữa năm 2023, Công ty TNHH MTV AVAC phối hợp với Sở Nông nghiệpPhát triển nông thôn tổ chức hội thảo giới thiệu, quảng bá và mời gọi người chăn nuôi sử dụng vaccine cho đàn lợn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số hộ chăn nuôi sử dụng 2 loại vaccine phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của 2 công ty nói trên còn khiêm tốn.

Thống kê mới nhất của Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hải Phòng, đến đầu tháng 6-2023, toàn thành phố mới tiêm được 2.413 mũi vaccine dịch tả lợn châu Phi, trong đó huyện Vĩnh Bảo có số lượng mũi tiêm nhiều nhất thành phố (1.576 mũi). Các huyện: An Lão, Kiến Thụy, An Dương... tiêm 200 đến 300 mũi. Trong khi tổng đàn lợn toàn thành phố tính đến cuối tháng 5-2024 là hơn 148 nghìn con. Số vaccine nói trên chủ yếu được sử dụng tại các trang trại, trong khi phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các gia trại chưa sử dụng để tiêm cho đàn lợn.

Ông Hoàng Văn Khánh, ở thôn Bắc Bình, xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Bảo) cho biết, năm 2023, gia đình cũng được Công ty AVAC tuyên truyền, mời mua vaccine dịch tả lợn châu Phi để tiêm cho lợn nhưng giá vaccine quá cao, chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi nên chưa có điều kiện tham gia. Gia đình ông vừa xuất lứa lợn thịt. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ông dự định để trống chuồng nuôi khoảng 2 tháng, khử trùng, tiêu độc xong mới nuôi lứa mới.

Nhiều hộ chăn nuôi chưa mặn mà bởi những loại vaccine này mới xuất hiện trên thị trường nên chưa yên tâm về công dụng và hiệu quả phòng dịch, trong khi đó việc tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa bắt buộc đối với các hộ chăn nuôi...

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, vaccine vẫn là giải pháp tối ưu để chủ động bảo vệ đàn lợn trước bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo về vaccine chống dịch tả lợn châu Phi và chỉ đạo các quận, huyện vận động, tuyên truyền để người chăn nuôi biết và sử dụng cho đàn lợn. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Vũ Bá Công cho biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố năm 2019 với tổng số 182.923 con lợn bị tiêu huỷ. Thành phố phải chi ngân sách hỗ trợ 451,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ người chăn nuôi 346,7 tỷ đồng; kinh phí chống dịch là 104,8 tỷ dồng. Vì vậy, khi thị trường có vaccine là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch. Sở yêu cầu Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp với các quận, huyện vận động người dân tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn. Tiêm vaccine càng sớm cho đàn lợn cảng giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Tại các huyện có tỷ lệ tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi đạt thấp, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện rà soát lại số lượng tiêm phòng, từ đó có giải pháp thiết thực để vận động, tuyên truyền. Tại huyện Tiên Lãng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Vũ Văn Trung cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 80% số hộ chăn nuôi, trang trại nuôi gia công cho các công ty CP, JAPPA. Các trang trại này được công ty cung ứng vaccine dịch tả lợn châu Phi để tiêm cho đàn lợn. Chỉ còn 20% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và gia trại hiện chưa tiêm vaccine. Do đó, Phòng sẽ phối hợp với đơn vị cung ứng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu vaccine đến các hộ chăn nuôi, xây dựng mô hình thí điểm để nhân rộng. Theo Trạm trưởng trạm Chăn nuôi Thú y Kiến Thụy Trần Sinh Thanh, vừa qua dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn xã Ngũ Đoan cũng có nguyên nhân do nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn chưa tiêm phòng vaccine cho đàn lợn. Vì vậy, cùng với việc kiểm soát dịch không để lây lan rộng, Trạm tiếp tục phối hợp với các thôn, xã tuyên truyền vận động để người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn lợn, tránh rủi ro vì dịch bệnh.

Ở các vùng chăn nuôi tập trung, nhiều hộ chăn nuôi đề nghị các công ty cung ứng vaccine hỗ trợ giá vaccine để triển khai diện rộng, đồng thời đề xuất cán bộ thú y cơ sở hỗ trợ các hộ tiêm vaccine sau khi được cung ứng thuốc...

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập