Hỗ trợ nông dân bảo quản, gia tăng giá trị sản phẩm

05:08 CH 15/12/2024

(HPĐT)- Hải Phòng sở hữu tiềm năng đa dạng trong sản xuất nông nghiệp với cơ cấu ngành chiếm 50% giá trị sản xuất. Tuy nhiên, giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp do hạn chế trong sơ chế, chế biến và bảo quản. Điều này khiến các sản phẩm khó tiếp cận hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, giá trị kinh tế không cao.

Nông dân thôn Đại Điền, xã Tân Viên (huyện An Lão) phơi thóc thủ công sau khi thu hoạch
 

Trăn trở điều kiện đầu tư 

Nhiều năm qua, nông dân ở xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng hoa cúc dược liệu vào vụ đông đem lại thu nhập cao gấp 2 -3 lần cấy lúa. Diện tích trồng hoa ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, thực tế nông dân chủ yếu bán hoa tươi cho một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các tỉnh, thành phố bạn để chế biến, bảo quản mà chưa tự làm được khâu này. Chị Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Đông Nôi 1, xã Thắng Thủy cho biết, vụ đông 2024-2025, gia đình trồng 10 sào hoa cúc dược liệu, cùng với đó, sản lượng của bà con trong thôn cũng khá nhiều nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nơi khác; có lúc vào thời điểm thu hoạch rộ, thời tiết bất lợi, doanh nghiệp cơ sở chưa kịp thu mua để chế biến, bà con không có kinh nghiệm bảo quản, chế biến sâu, sản phẩm rất dễ bị thối hỏng. 

Không chỉ lĩnh vực trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay trên địa bàn thành phố ít có doanh nghiệp sơ chế, chế biến, hoặc có nhưng chưa áp dụng được kỹ thuật hiện đại. Một số nông dân tự sơ chế, bảo quản theo kinh nghiệm, thói quen sản phẩm chủ yếu được bán lẻ cho người tiêu dùng nên khó bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Nhung, ở xã An Tiến (huyện An Lão) cho biết, gia đình có trang trại nuôi gà ri lai quy mô 3000 - 4000 con/lứa. Nhưng đến khi thu hoạch sản phẩm, gia đình chủ yếu bán lẻ gà lông, nếu có khách hàng đặt hàng gà làm sẵn thì chủ yếu làm thủ công, đóng hộp xốp để vận chuyển cho khách. 

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, sản phẩm chế biến trên địa bàn thành phố chủ yếu theo quy trình đơn giản, tỷ lệ chế biến sâu ít nên giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), chủng loại chưa phong phú; các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 30%. Phần lớn nông dân mới chỉ bán sản phẩm thô. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản của thành phố quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, trang thiết bị còn thiếu. Do công tác bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch tại Hải Phòng còn nhiều hạn chế gây tổn thất về số lượng và chất lượng sản phẩm.

Hỗ trợ sản xuất theo tiêu chí an toàn 

Khảo sát thực tế, nhiều nông dân luôn mong muốn được thực hiện khép kín từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhưng điều kiện để đầu tư vào khâu này gặp khó khăn. Anh Nguyễn Văn Lan, ở xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) cho biết, hiện bà con nông dân bỏ ruộng nhiều, một số HTX, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất với quy mô lớn. Mỗi vụ thu hoạch được khá nhiều sản lượng nhưng phần lớn cũng chỉ bán cho doanh nghiệp, thương lái tỉnh bạn. Mặc dù muốn đầu tư, sơ chế, chế biến sản phẩm tại chỗ nhưng không có kinh phí đầu tư. Đồng thời trước đây theo cơ chế, chính sách cũ không được phép xây dựng nhà tạm trên đất nông nghiệp. Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) và Nghị định số 112 quy định chi tiết về đất trồng lúa (có hiệu lực từ ngày 11-9) cởi mở hơn, thuận lợi cho người sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay nông dân chưa được hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, về phía các doanh nghiệp, HTX chế biến trên địa bàn thành phố chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu bảo đảm về số lượng, chất lượng; trình độ công nghệ chế biến nông sản chỉ đạt ở mức trung bình nên sản phẩm sau chế biến cũng khó đủ sức cạnh tranh trên thị trường... 

Để nâng cao giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng Nguyễn Hữu Cường cho rằng, tới đây, thành phố và các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền sâu rộng để sớm hướng dẫn cụ thể, vận dụng linh hoạt các quy định, nội dung của Luật Đất đai và Nghị định đất trồng lúa để người sản xuất, các doanh nghiệp, HTX có thể đầu tư điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có các điều kiện để sơ chế, chế biến sản phẩm tại nơi sản xuất. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông sản, thủy sản như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất an toàn; khuyến khích, tổ chức sản xuất nông sản, thủy sản áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm để có nguồn nông sản, thực phẩm tốt phục vụ chế biến. 

Về phía chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện đất đai, thủ tục để các doanh nghiệp, HTX, người dân có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản nông sản thuận tiện hơn. Chủ tịch UBND xã Tân Viên (huyện An Lão) Lương Xuân Tam cho biết, năm 2024, xã phối hợp cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, tạo điều kiện để Công ty TNHH Chinh Thái công bố quy hoạch 1/500 đến người dân địa phương. Hiện công ty đang tích cực triển khai xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến sâu nông sản, thực phẩm... 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập