Phát triển thương mại điện tử: Chú trọng tạo môi trường minh bạch, an toàn
(HPĐT)- Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ thời gian gần đây, bên cạnh những mặt tích cực, người tiêu dùng cũng đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn như mua phải hàng giả, hàng nhái và sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, cần tiếp tục siết chặt quản lý, kiểm soát các vi phạm để thương mại điện tử được phát triển lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.

Rủi ro về chất lượng sản phẩm
Sau thời gian "gây bão", sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu vừa tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, sau khi làm việc với Bộ Công Thương. Theo thông tin trên ứng dụng, Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam và Bộ Công Thương để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, nhiều người mua hàng trên sàn Temu không khỏi sốt ruột vì đã thanh toán online trước để mua hàng từ đầu tháng 11-2024, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hàng. Được biết, chỉ khi nào Temu hoàn tất thủ tục đăng ký cấp phép với Bộ Công Thương, phía hải quan mới tiến hành các thủ tục tiếp theo đối với hàng hóa được giao dịch qua sàn này. Nhiều người tiêu dùng lo lắng rằng nếu Temu rút khỏi Việt Nam mà không hoàn tất nghĩa vụ pháp lý, khả năng mất trắng số tiền đã thanh toán là rất cao.
Trước đó, trong thời gian Temu hoạt động rầm rộ bán hàng vào Việt Nam, nhiều khách hàng "say sưa" với hàng quảng cáo rẻ, cam kết giao nhanh, hoàn tiền nếu bị lỗi. Anh Nguyễn Đức Huy (ở đường 208, xã An Đồng, huyện An Dương) cho biết đã hai lần mua các món hàng của Temu, bao gồm giày thể thao và chiếc camera hành trình. Hàng hóa miễn phí được giao đúng mô tả. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Chưa kể Temu thông báo giảm giá sâu, nhưng khi so sánh cùng mặt hàng đang bán trên các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy không quá chênh lệch.
Một “trái đắng” người tiêu dùng thường gặp phải khi mua đồ trên mạng là đặt hàng hiệu với giá cao, nhưng sản phẩm nhận được không thể kiểm soát nguồn gốc. Liên tiếp gần đây, lực lượng quản lý thị trường thành phố triệt phá nhiều tụ điểm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc điểm chung của các cơ sở này là nhập hàng giả, hàng nhái thương hiệu về và bán online qua Facebook hoặc các sàn thương mại điện tử. Mới đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 7 (thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố) phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an quận Ngô Quyền) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Văn Tùng, ở phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền). Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện và tạm giữ hơn 700 sản phẩm thời trang gồm quần áo, giày dép, thắt lưng, túi, ví nam các loại mang nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Gucci, Burberry, Dior, Louis Vuitton (LV), Hermes, Nike, Adidas... do không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 460 triệu đồng. Đây cũng là những sản phẩm được hộ kinh doanh này đăng tải, giới thiệu trên trang Facebook mang tên Tùng Gucci (Lê Văn Tùng).
Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng
Sở Công Thương vừa phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên sâu quy định pháp luật về thương mại điện tử; chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến đối với hơn 300 đại biểu đến từ các sở, ngành, đơn vị, địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hợp tác xã… trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành cho biết, thời gian qua bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, thiếu thông tin về các chính sách, quy định pháp luật về thương mại điện tử; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong thương mại điện tử; việc xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử còn nhiều hạn chế… Do vậy, chương trình tập huấn này sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Nguyễn Bá Lộc, trong 10 tháng năm 2024, đơn vị này kiểm tra, kiểm soát 55 vụ, xử lý 44 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 831 triệu đồng liên quan đến các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử, thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận gặp nhiều thử thách, bởi các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân... sử dụng các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... để livestream bán hàng, do đó, khó xác định tính chất, quy mô, địa chỉ vi phạm và hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ (không có sẵn hàng hoặc cất giấu hàng ngay tại chỗ ở) nên phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm không dễ…
Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là thời gian hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra sôi động do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Cục Quản lý thị trường thành phố sẽ tiếp tục chủ động thực hiện công tác thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Cùng với đó, Cục tổ chức các chương trình tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Quản lý thị trường nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…trên môi trường thương mại điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.