Thực hiện tổng kiểm kê tài sản công trên địa bàn thành phố: Chủ động, nghiêm túc và hiệu quả

11:14 SA 02/04/2025

(HPĐT)- Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 3-2025, cả nước hoàn thành tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Để bảo đảm tiến độ theo quy định, thành phố tập trung thực hiện tổng kiểm kê với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Đồng chí TRẦN XUÂN TOÀN, Phó giám đốc Sở Tài chính trao đổi với Trung tâm Báo chí và Truyền thông Hải Phòng chung quanh kết quả thực hiện tổng kiểm kê tài sản trên địa bàn thành phố.

 

Việc sớm hoàn thành tổng kiểm kê tài sản công giúp thành phố có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Trong ảnh: Khu vực trụ sở cũ của quận Hồng Bàng. Ảnh: MINH TÚ

 

- Đồng chí cho biết kết quả thực hiện tổng kiểm kê trên địa bàn thành phố? 

- Theo Quyết định số 213 ngày 1-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, việc tổng kiểm kê được triển khai từ ngày 1-1- 2025 và phải hoàn thành trước ngày 31-3-2025. 

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, thành phố nhanh chóng ban hành các quyết định quan trọng như: thành lập Ban Chỉ đạo tổng kiểm kê tài sản công và kế hoạch triển khai cụ thể. Ban Chỉ đạo thành phố do đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, Sở Tài chính là cơ quan thường trực. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài chính, Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tiến độ tại các đơn vị trực thuộc. 

Đến nay, thành phố hoàn thành tổng kiểm kê tài sản công tại toàn bộ 1.269 đơn vị thuộc diện quản lý, đạt tỷ lệ 100%, cập nhật đầy đủ và chính xác số liệu lên hệ thống phần mềm tổng kiểm kê của Bộ Tài chính. Thành phố tiếp tục tiến hành công tác kiểm tra, rà soát số liệu thực tế để bảo đảm chất lượng báo cáo, phản ánh đầy đủ, trung thực hiện trạng tài sản công của thành phố. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, thành phố là một trong số các địa phương hoàn thành công tác tổng kiểm kê tài sản công trước thời hạn so với yêu cầu của Chính phủ, thể hiện rõ tinh thần chủ động, nghiêm túc và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Việc hoàn thành tổng kiểm kê tài sản trên địa bàn giúp thành phố nắm được thực trạng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý... Từ đó làm cơ sở để xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các tài sản công, tránh sự lãng phí.

- Từ kết quả tổng kiểm kê, đồng chí cho biết hiện trạng quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố? - Qua kiểm kê cho thấy, còn một số đơn vị thực hiện kiểm kê thiếu tài sản, chưa cập nhật đầy đủ vào sổ sách kế toán. Điều này dẫn đến khó khăn trong xác định chính xác nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản, nhất là các tài sản kết cấu hạ tầng như đường bộ. Một số chủ đầu tư sau khi bàn giao công trình vào sử dụng lại chưa bàn giao đầy đủ hồ sơ thiết kế và quyết toán, gây khó khăn trong công tác quản lý và hạch toán tài sản. Ngoài ra, việc theo dõi và quản lý giá trị quyền sử dụng đất tại một số đơn vị cũng chưa chính xác, chưa sát thực tế và việc kiểm kê máy móc, thiết bị theo dự án chưa thực hiện đầy đủ, chi tiết theo quy định. Đây là những hạn chế mà thành phố đang tích cực chấn chỉnh trong thời gian tới.

 - Qua phản ánh, trên địa bàn còn không ít tài sản công được sử dụng chưa hiệu quả. Mặt khác, thành phố đã, đang tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Vậy, phương án xử lý các tài sản công dôi dư sau sắp xếp, tài sản công sử dụng kém hiệu quả như thế nào?

 - Việc xử lý các tài sản công kém hiệu quả, tài sản dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy là vấn đề rất lớn, vì vậy, Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND thành phố hướng dẫn cụ thể đến các đơn vị để việc xử lý các tài sản được kịp thời. 

Cụ thể, đối với các tài sản công sử dụng kém hiệu quả, thành phố chỉ đạo các đơn vị rà soát, xác định rõ nguyên nhân để đưa ra phương án xử lý phù hợp. Những tài sản xuống cấp sẽ được cải tạo, sửa chữa để tiếp tục sử dụng hiệu quả hơn. Các tài sản không còn nhu cầu sử dụng sẽ được điều chuyển cho các đơn vị có nhu cầu, hoặc nếu không thể điều chuyển, sẽ được bán để thu về nguồn ngân sách nhà nước. 

Đặc biệt, với nhóm tài sản là nhà, đất dôi dư do sắp xếp bộ máy tổ chức, thành phố ưu tiên sử dụng vào mục đích giáo dục, văn hóa và công cộng, chỉ khi không thể bố trí cho các mục đích trên, thành phố mới tiến hành đấu giá để bổ sung ngân sách, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn. 

- Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập