Xi măng VICEM Hải Phòng: Chủ động đổi mới, vượt qua thách thức
(HPĐT)- Sản xuất xi măng- một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn. Chịu tác động chung của toàn ngành, Xi măng Vicem Hải Phòng cũng đang đứng trước thách thức lớn. Không “bó tay chịu trói”, phát huy truyền thống 125 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần “đồng tâm vượt khó”, Vicem Hải Phòng nỗ lực đổi mới toàn diện, linh hoạt thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn, khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị thương hiệu xi măng “con Rồng” đã tồn tại qua 3 thế kỷ. Từ đó, đưa Vicem Hải Phòng tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định vị thế trên thị trường xi măng Việt Nam và thế giới.
Kỳ 1: Sóng cả, gió lớn, cần vững tay chèo
Trước khó khăn chung của nền kinh tế, khoảng 3 năm gần đây, đặc biệt từ năm 2023 đến nay, nhu cầu tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng…, tác động trực tiếp kéo giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành xi măng nói chung và Xi măng Vicem Hải Phòng nói riêng.
Tiêu thụ giảm mạnh, cung vượt cầu
Đồng chí Trần Văn Toan, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng thông tin, 6 tháng đầu năm 2024, công ty sản xuất hơn 465 nghìn tấn clinker, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 42% kế hoạch cả năm. Xi măng tự sản xuất đạt 597 nghìn tấn, bằng 88% so với cùng kỳ, đạt 38,4% kế hoạch cả năm. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt hơn 1 triệu tấn, bằng 84% so với cùng kỳ và đạt 45% kế hoạch cả năm. Doanh thu đạt 1.052 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động trong công ty đạt 18 triệu đồng/người/tháng. Nhìn vào kết quả trên, mặc dù sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Xi măng Vicem Hải Phòng đều giảm so với cùng kỳ và mới tiệm cận với mức kế hoạch năm 2024, nhưng cho thấy sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của công ty trong duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, giữa bối cảnh đặc biệt khó khăn của toàn ngành xi măng. Năm 2023, toàn ngành xi măng chỉ có 8/61 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có lãi, trong đó có Xi măng Vicem Hải Phòng.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng đang đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Báo cáo của Hiệp hội Xi măng, 6 tháng đầu năm 2024, tổng nhu cầu xi măng khoảng 37,2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam hiện là nước sản xuất xi măng đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ), với 92 dây chuyền sản xuất đang hoạt động có tổng công suất thiết kế lên tới 122,3 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu xi măng toàn xã hội chỉ khoảng 57 - 60 triệu tấn. Lượng xi măng sản xuất dư thừa hơn tới hơn một nửa. Trong năm 2023, có 42 dây chuyền phải ngừng sản xuất từ 1-6 tháng, một số dây chuyền ngừng cả năm.
Không tránh khỏi tác động trực tiếp của khủng hoảng thừa, từ năm 2023 đến nay, lượng sản phẩm tiêu thụ của Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng có dấu hiệu chậm lại do nhu cầu xi măng giảm mạnh. Bắt đầu từ quý 2- 2023, lượng tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu bắt đầu suy giảm và không tăng trong 2 quý còn lại của năm, đi ngược với diễn biến thị trường những năm trước đây. Trong nước, thị trường bất động sản trầm lắng, ít dự án mới, phân khúc xây dựng dân sinh suy giảm mạnh, nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn bị giãn, hoãn tiến độ do khó khăn nguồn vốn. Về xuất khẩu, các thị trường truyền thống tiêu thụ lượng lớn xi măng của công ty như: Trung Quốc, Philipines… triển khai áp dụng tiêu chuẩn và chính sách nhập khẩu ngặt nghèo hơn, nhu cầu tiêu thụ của các nước đều giảm.
Thị trường cạnh tranh khốc liệt
Nguồn cung lớn trong khi tiêu thụ giảm mạnh khiến cuộc cạnh tranh giữa Xi măng Vicem Hải Phòng với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên thị trường càng khốc liệt hơn, ở cả “sân nhà” và “sân khách”, chủ yếu về giá bán- Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng Trần Văn Toan thông tin. Mặc dù nguồn cung từ sản xuất trong nước đang thừa, nhưng nguồn xi măng từ các quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan… vẫn tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam và có lợi thế cạnh tranh về giá so với xi măng sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, khách hàng quan tâm hàng đầu đến giá bán hơn là chất lượng sản phẩm. Chưa so sánh về chất lượng, giá bán sản phẩm của Xi măng Vicem Hải Phòng đang cao hơn từ 250-470 nghìn đồng/tấn so với một số loại xi măng khác. Nhu cầu thị trường đang có hướng dịch chuyển từ sử dụng xi măng bao sang xi măng rời. Đối với công trình xây dựng dân dụng, nhiều người dân chuộng sử dụng các loại xi măng mác thấp, giá rẻ. Một số chủ thầu xây dựng vì lợi ích nên lựa chọn các sản phẩm xi măng giá thấp hơn để giảm chi phí hoặc hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp.
Về xuất khẩu, các thị trường truyền thống tiêu thụ lượng lớn xi măng của Xi măng Vicem Hải Phòng giảm cả về sản lượng và giá trị. Giá xi măng xuất khẩu hiện giảm 6-7 USD/tấn, giá clinker giảm 9-10 USD/tấn so với năm 2023 và có xu hướng tiếp tục giảm. Trong khi đó, từ ngày 1-1-2023, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, cộng thêm việc xuất khẩu clinker không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Hơn nữa, các nước triển khai áp dụng tiêu chuẩn và chính sách nhập khẩu ngặt nghèo hơn.
Chi phí sản xuất gia tăng
Giá bán có chiều hướng giảm do áp lực cạnh tranh, song giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng duy trì ở mức cao, đặc biệt là giá điện, than. Có thời điểm, giá than tăng gấp 3 lần, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023. Hiện nay, giá điện chiếm 35% chi phí sản xuất. Giá điện, chi phí vận chuyển tăng… ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, kéo giảm lợi nhuận của công ty.
Dây chuyền sản xuất xi măng của Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng hiện nay tại thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) được đánh giá hiện đại, giảm phát thải khí bụi, năng suất cao hơn rất nhiều so với nhà máy cũ tại Thượng Lý (quận Hồng Bàng). Song, so với các nước tiên tiến trên thế giới và nhiều dây chuyển mới được đầu tư tại các nhà máy trong nước, công nghệ sản xuất chưa tối ưu hóa. Lượng tiêu hao than, dầu, điện cho sản xuất 1 tấn clinker còn ở mức cao. Thiết bị máy móc đến giai đoạn khấu hao, phát sinh chi phí sửa chữa…
Theo Ban giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng, đây có thể là giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 30 năm trở lại đây. Dự báo hết năm 2024, thậm chí kéo dài đến hết năm 2025, ngành xi măng nói chung và Xi măng Vicem Hải Phòng nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nếu các doanh nghiệp không chủ động đổi mới và có các giải pháp đồng bộ, thích ứng linh hoạt. Và quan trọng không kém đó là sự đồng hành, hỗ trợ khắc phục khó khăn cụ thể bằng cơ chế, chính sách kịp thời từ Chính phủ, các bộ, ngành.
(Còn tiếp)