Mạnh mẽ chung tay bảo vệ trẻ em

02:12 CH 04/01/2022

 

 

 

Tranh: Bạch Liên


(HPĐT)- Vụ việc bé gái 8 tuổi, trú tại phường 22, quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh) bị người sắp trở thành mẹ kế của cháu bạo hành dẫn đến tử vong đang gây phẫn nộ trong dư luận cả nước. Cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác; bắt khẩn cấp Nguyễn Kim Trung Thái (bố cháu bé) do có hành vi đồng phạm, không tố giác nghi phạm hành hạ, ngược đãi con mình. Do tầm nghiêm trọng của sự việc, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công an và UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Như vậy, vụ việc chắc chắc sẽ được xử lý "đến đầu đến đũa", bắt kẻ thủ ác phải đền tội. Tuy nhiên, từ đây cũng cần nhìn nhận lại nhiều vụ việc xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái đã, đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hải Phòng. Theo UNICEF, gần 70% số trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc đối xử bạo lực tại nhà. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học. Tuy nhiên, nhiều vụ việc bị chìm trong im lặng.

Trước thực trạng này, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ: Công an, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông cùng UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ em... Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần có hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là lực lượng Công an, Tòa án cần có thái độ không khoan nhượng đối với loại tội phạm ngược đãi, bạo hành trẻ em.

Cùng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, thiết nghĩ, mỗi người dân, mỗi hội viên, đoàn viên và toàn xã hội cần mạnh mẽ đồng hành bằng hành động thiết thực, cụ thể. Trong đó, kịp thời phát hiện, tố giác tới chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em. Can thiệp bằng nhiều cách khác nhau khi chúng ta nghe thấy tiếng kêu cứu của trẻ, như bấm chuông, gọi cửa, đánh lạc hướng... để làm gián đoạn việc bạo hành các bé. Đồng thời, gọi ngay tới đường dây nóng quốc gia 111 khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị bạo hành để các cơ quan có thẩm quyền có thể can thiệp kịp thời, cách ly trẻ với kẻ gây bạo hành thể chất và tinh thần của trẻ càng sớm càng tốt, bởi bạo hành trẻ em không còn là "chuyện riêng" trong gia đình mà đã trở thành tội ác, vấn nạn cần sớm xóa bỏ./.