Người lao động thêm gắn bó doanh nghiệp

11:04 SA 14/08/2017

Đến hết tháng 6-2017, trên địa bàn thành phố gần 96% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với lao động hợp đồng theo Nghị định 153 của Chính phủ. Không chỉ thực hiện nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp áp dụng mức lương cao hơn lương tối thiểu để khuyến khích người lao động.

Nghiêm túc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng

Thực hiện tốt chế độ lương, thưởng là một trong những giải pháp “giữ chân” người lao động tại Công ty Cổ phần cáp điện và hệ thống LS – Vina. Không chỉ nghiêm túc thực hiện mức lương theo quy định tại Nghị định 153 của Chính phủ, công ty tăng mức lương tối thiểu cho người lao động thêm 1 triệu đồng /tháng. Chủ tịch Công đoàn Công ty Lê Văn Luyện cho biết: “Trong gần 450 cán bộ, người lao động công ty phần lớn là lao động trực tiếp, làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Vì vậy, công đoàn tham mưu với lãnh đạo công ty quan tâm chăm lo đời sống của người lao động, để họ yên tâm gắn bó lâu dài, đóng góp vì sự phát triển chung của doanh nghiệp. Ngoài mức lương tối thiểu áp dụng 4.900.000 đồng/tháng, người lao động được hưởng 23 phúc lợi khác. Chưa kể, nếu doanh nghiệp đạt chỉ tiêu doanh thu, người lao động được thưởng thêm 1 tháng lương...”.

Công nhân Công ty TNHH Daito Rubber trong ca sản xuất.

Ảnh: Đỗ Hiền

Công ty TNHH Daito Rubber Việt Nam hiện có khoảng hơn 250 người lao động. Nhiều năm qua, công ty thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm theo quy định của Chính phủ, mức lương tối thiểu của công ty luôn cao hơn mức lương tối thiểu vùng ít nhất 7%. Năm 2017, công ty áp dụng mức lương tối thiểu 4.050.000 đồng với người lao động. Hằng năm, công ty xây dựng thang bảng lương, thực hiện nguyên tắc nâng lương theo đánh giá năng lực với mức tăng thấp nhất 5%, cao nhất 40%. Nhờ vậy, thu nhập bình quân người lao động công ty đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân công ty phấn khởi: “Việc thực hiện đúng, đủ mức lương theo quy định của pháp luật giúp người lao động bảo đảm yêu cầu cơ bản cho cuộc sống. Từ đó, tạo niềm tin, giúp chúng tôi yên tâm gắn bó với doanh nghiệp”.

Giám sát thực hiện thang, bảng lương tại doanh nghiệp

Theo Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động thành phố Tống Văn Băng, Liên đoàn Lao động thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị định số 153 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1-1-2017. Hầu hết đơn vị, doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc mức lương theo quy định, còn 49 doanh nghiệp chưa thực hiện, chủ yếu hoạt động trong nhóm dịch vụ ăn uống, du lịch, dịch vụ bảo vệ; doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiếu nhỡ việc làm, hoạt động kém hiệu quả và đang đợi giải thể.

Để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định lương, thưởng cho người lao động, các cấp công đoàn tiếp tục sâu sát, nắm bắt tình hình người lao động trên địa bàn, chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, trao đổi với người sử dụng lao động xây dựng thang, bảng lương và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp theo quy định của Nghị định 153 và pháp luật về tiền lương. Đồng thời, thông báo rộng rãi, công khai phương án tăng lương tới toàn thể người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động... Ngoài ra, đối với đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thực hiện mức lương tối thiểu vùng với người lao động hợp đồng, các cấp công đoàn tiếp tục rà soát, đôn đốc. Đồng thời, chia sẻ, động viên đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bảo đảm việc làm, tiền lương và các chế độ khác với người lao động.

Nghị định 153 Chính phủ quy định, mức lương của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất. Đồng thời, mức lương của người lao động phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề. Theo đó, từ ngày 1-1-2017, áp dụng mức lương tối thiểu vùng lần lượt là 3.750.000 đồng/tháng, 3.320.000 đồng/tháng, 2.900.000 đồng/tháng, 2.580.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng 1,2,3,4. Tại Hải Phòng, lao động làm việc trên địa bàn các quận nội thành và các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo áp dụng mức lương 3.750.000 đồng/người/tháng. Các huyện còn lại áp dụng mức lương 3.320.000 đồng/người/tháng. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, đến hết tháng 6-2017, có 1.094/1.143 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn áp dụng lương tối thiểu với lao động hợp đồng.

Nhật Nam