Loại bỏ tư duy cục bộ, địa phương
(HPĐT)- Những ngày gần đây, thông tin về việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) được cán bộ, đảng viên và người dân đặc biệt quan tâm. Hầu hết ý kiến đồng tình với chủ trương lớn của Đảng nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng trước yêu cầu phát triển của đất nước. Song, đâu đó cũng có ý kiến, cách nghĩ mang tính cục bộ, cho rằng tỉnh “to”, tỉnh “nhỏ” khi sáp nhập sẽ có thể thiệt hơn như việc đặt tên, chọn nơi đặt trụ sở các cơ quan, đơn vị đầu não hoặc sắp xếp, bố trí cán bộ.
Thực tế trong giai đoạn sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thời gian qua, một số nơi cũng có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, tìm cách chia bè, kết phái hoặc tư tưởng cũ, mới sau khi sáp nhập, sắp xếp, làm ảnh hưởng đến công việc chung. Đáng chú ý, tư tưởng cục bộ này còn xuất hiện ở một số đảng viên, cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị.
Chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ tạo thêm không gian, động lực phát triển mạnh mẽ với diện tích, dân số tăng đáng kể. Bớt cấp trung gian, các chính sách của Trung ương, địa phương sẽ được triển khai trực tiếp, nhanh chóng hơn tới người dân, doanh nghiệp. Sau khi bỏ cấp huyện, quy mô 1 phường, xã thời gian tới sẽ tương đương “huyện nhỏ”, là điều kiện, tiền đề để giảm tối đa thời gian, thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Song, sau sáp nhập thì khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức phải cố gắng, quyết tâm hơn, nâng cao trình độ mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần loại bỏ tư duy cục bộ, địa phương để nhanh chóng thích nghi, tiếp cận, giữ đoàn kết và làm tốt công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, là điều quan trọng nhất.