Phát huy sức mạnh nhân dân trong phòng, chống ma túy
(HPĐT)- Ngày 26-2 vừa qua, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18- NQ/TU về xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy với mục tiêu, lộ trình rất cụ thể. Xây dựng địa bàn không ma túy lâu nay vẫn là nhiệm vụ nhiều khó khăn, khó thực hiện và giữ vững nhất trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Bởi lẽ hoạt động của tội phạm ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi, manh động cùng sự xuất hiện của nhiều “biến thể” ma túy mới. Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 cả nước, là cửa chính ra biển của cả miền Bắc, có cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đời sống kinh tế- xã hội sôi động, nên từ lâu được tội phạm ma túy xem vừa là địa bàn tiêu thụ, vừa là điểm trung chuyển “cái chết trắng”. Theo số liệu từ Công an thành phố, tính riêng năm 2024, lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 1.251 vụ với 2.947 đối tượng tội phạm về ma túy, tăng 67% về số vụ và tăng 97% số đối tượng so với năm 2023; thu giữ 8,74 kg heroine, 41,71 kg ma tuý tổng hợp, 21,7 kg cần sa, 457,08 gram cocaine, 1.940 ml methadone…
Tội phạm ma túy từ lâu được xem là “tội phạm của các loại tội phạm”. Chỉ cần số lượng nhỏ ma túy kể trên không bị phát hiện, bắt giữ, “tuồn” được ra cộng đồng, chắc chắn đe dọa bình yên không chỉ của mỗi gia đình mà cả an ninh trật tự toàn xã hội. Quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy, với quyết tâm rất cao, trách nhiệm lớn trước nhân dân, thành phố đặt ra mục tiêu, giải pháp cụ thể. Theo đó, giai đoạn 1 đến hết năm 2026, triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững đối với 4 xã: Việt Hải, Gia Luận, Hiền Hào (huyện Cát Hải) và xã Du Lễ (huyện Kiến Thụy) không có tệ nạn ma túy, huyện Bạch Long Vĩ là địa bàn không có tội phạm, tệ nạn ma túy. Đến hết năm 2026, xây dựng thành công địa bàn không ma túy tại các địa phương: Hồng Bàng, Dương Kinh, Kiến An, Đồ Sơn, Hải An, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Cát Hải. Trong giai đoạn 2 từ 2027- 2030, triển khai các giải pháp “giữ vững” đối với các địa bàn cấp xã, huyện được công nhận không ma túy giai đoạn trước. Kiên quyết không để phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Bảo đảm 70% số địa bàn cấp xã, huyện trở lên được công nhận là địa bàn không ma túy theo tiêu chí. Giai đoạn 3, từ năm 2031 đến các năm tiếp theo vừa giữ vững vừa thực hiện vượt các tiêu chí xác định địa bàn không ma túy được nghị quyết đề ra.
Cộng đồng, xã hội luôn nhận thức, cảm nhận rõ hiểm họa, hậu quả do tội phạm về ma túy gây ra. Vì thế, khi chủ trương “xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy” được thành phố ban hành, người dân rất hoan nghênh, ủng hộ, mong đợi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách vừa thường xuyên, được thực hiện liên tục và lâu dài, kiên trì, bền bỉ để loại bỏ tệ nạn ma túy ra khỏi thành phố Cảng. Đạt được mục tiêu trên, cùng với xác định rõ vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách, việc nâng cao vai trò cộng đồng, phát huy “tai, mắt” của người dân có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2022 xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong công tác phòng, chống ma túy, xác định nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng bảo vệ trước tệ nạn xã hội nguy hiểm này. Người dân vừa hỗ trợ tích cực cơ quan chức năng, đồng thời cũng là lực lượng trực tiếp tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn về ma túy. Để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh tội phạm về ma túy, chính quyền các địa phương, lực lượng công an cần nghiên cứu mở rộng kênh tiếp nhận tin báo, tin tố giác tội phạm phù hợp điều kiện thực tế địa bàn, tạo thuận tiện để người dân cùng góp sức thực hiện chủ trương tốt đẹp của thành phố.