Phát triển hạ tầng giao thông, tạo sức bật mới
(HPĐT)- Ngày 11-3, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo- đường Bùi Viện chính thức được khởi công. Đây là dấu mốc quan trọng đối với hạ tầng giao thông thành phố, khi tuyến đường vành đai- con đường được chờ đợi hàng chục năm qua trở thành hiện thực.
Tuyến đường không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, mà còn mở ra không gian phát triển rộng lớn, tăng kết nối liên vùng, tạo bước đột phá phát triển kinh tế- xã hội các địa phương dự án đi qua. Với tầm quan trọng của dự án, lãnh đạo thành phố yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công huy động lực lượng, phương tiện cao nhất, làm việc “3 ca, 4 kíp” nỗ lực rút ngắn thời gian triển khai từng phần việc để dự án hoàn thành vào năm 2027, sớm trước 1 năm so với hợp đồng ký kết.
2025 sẽ là năm ghi nhiều dấu ấn với hệ thống hạ tầng giao thông thành phố. Những công trình giao thông kết nối quan trọng giữa Hải Phòng và các địa phương chung quanh như cầu Lại Xuân (nối với tỉnh Quảng Ninh), cầu vượt sông Hóa (nối với tỉnh Thái Bình) được chỉ đạo hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Hải Phòng giải phóng (13-5-1955 - 13-5- 2025). “Bộ khung” hệ thống giao thông đối nội thành phố cũng đang “nước rút” để về đích như dự án đường nối từ đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến quốc lộ 10 đoạn qua huyện Vĩnh Bảo; đường nối tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy); đường từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún (quận Đồ Sơn); cầu Hoàng Gia… Thực tế, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây (từ 2015 đến nay), hạ tầng giao thông thành phố thay đổi vượt bậc, nên nhiều người ví von “10 năm bằng cả trăm năm”. Cầu, đường mới xây dựng khắp nơi, giao thông dọc, ngang thông suốt. Những cây cầu, tuyến đường hình thành không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi, giảm chi phí logistics, phát triển khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn, gia tăng kết nối liên vùng để cùng bứt phá phát triển, mà còn mở ra cơ hội cất cánh cho những khu vực lâu nay vẫn bị xem rơi vào thế “ngõ cụt”, thiếu dư địa phát triển vì giao thông khó khăn.
Hải Phòng có lợi thế lớn là địa phương hội tụ đủ 5 loại hình vận tải về đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không và đường sắt. Với vai trò cửa chính ra biển của cả miền Bắc, cực tăng trưởng trong tam giác Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh và vùng đồng bằng sông Hồng, thời gian tới thành phố cùng Trung ương tập trung đầu tư hàng loạt công trình để hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, liên hoàn, hiện đại. Các dự án như tuyến đường nối quốc lộ 5 với quốc lộ 10; cầu Tân Vũ- Lạch Huyện 2; tuyến đường sau bến cảng từ số 3 đến số 6 tại khu bến cảng Lạch Huyện; đường Vành đai 3; đầu tư hoàn thiện quốc lộ 10; đường cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng; đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng… được triển khai, khởi công.
Với vị trí, vai trò của thành phố Cảng, sứ mệnh “đi trước mở đường” của giao thông cần tiếp tục phát huy. Các công trình giao thông đặc biệt, mang tính chiến lược sẽ tạo nên tầm vóc mới, thay đổi diện mạo đô thị, tạo sức bật mới cho kinh tế- xã hội thành phố, đưa Hải Phòng bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững cùng đất nước.