Ưu tiên dành quỹ đất xây trường chuẩn
(HPĐT)- Số học sinh/lớp tăng cao, trong khi diện tích sân chơi, bãi tập chưa đủ theo quy định tại Điều lệ trường học và chưa đúng theo các tiểu chuẩn quy định do nguồn quỹ đất eo hẹp, đang gây khó khăn trong thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Thực tế này được cơ sở phản ánh trong cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2020-2024” tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân). Theo báo cáo, nhà trường có 48 lớp với 2.425 học sinh, tổng diện tích là 4.600 m2, bình quân 1 học sinh chưa đến 2 m2, trong khi Thông tư 23/2024/TTBGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định bình quân tối thiểu 6 m2/học sinh. Đây cũng là thực trạng của nhiều trường ở cả cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại các quận trong đô thị vùng lõi, khiến việc xây dựng trường chuẩn rất khó thực hiện.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ngành GD-ĐT đang tích cực tham mưu, kiến nghị thành phố, các quận, huyện quan tâm, ưu tiên quy hoạch quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đối với cấp học theo phân cấp quản lý. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời bảo đảm các quy định chuyên ngành GD-ĐT. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục, nhất là tại các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, địa phương đang có xu hướng quá tải ở các trường công lập, địa phương chưa có trường tư thục nhằm đa dạng hóa dịch vụ giáo dục. Từ đó hỗ trợ khối công lập giảm tải áp lực sĩ số học sinh, góp phần thực hiện tiêu chí bình quân diện tích/học sinh.