Chủ động kiểm soát thuốc điều trị cúm mùa: Xử lý nghiêm vi phạm trong mua, bán thuốc kháng virus

08:39 SA 15/02/2025

(HPĐT)- Theo thông tin của Sở Y tế, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố, số ca cúm mùa, nhất là cúm A có xu hướng gia tăng. Tại Hải Phòng, ghi nhận tại một số bệnh viện tuyến thành phố, số ca cúm A không tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Song do nhiều nguyên nhân, nhiều người dân có nhu cầu mua thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir dẫn đến tình trạng khan hiếm giả.

 

Thanh tra Sở Y tế xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus điều trị cúm.

 

Ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng 

Anh Nguyễn Công Long, ở phố Nguyễn Bình (quận Ngô Quyền) có triệu chứng ho, sổ mũi, đau người, mệt mỏi nhưng anh không đến cơ sở y tế khám bệnh mà tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị. Sau 2 đợt điều trị nhưng bệnh không khỏi, vẫn “ho rũ rượi” và tiết nhiều dịch mũi, anh đến Khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) khám và được chẩn đoán: viêm xoang do biến chứng cúm A. Hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc Tamiflu, anh Long được giải thích Tamiflu là thuốc kháng virus trị cúm, chỉ hiệu quả trong những ngày đầu điều trị nhằm giảm sự nhân lên của virus, không còn hiệu quả điều trị thời điểm này. 

Nói về thuốc Tamiflu, BSCK2 Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trẻ em) cho biết, đây là thuốc thuộc các loại thuốc kê đơn, được chỉ định để điều trị và phòng ngừa cúm ở người lớn và trẻ em. Qua quá trình thăm khám và điều trị các ca bệnh nhập viện tại Bệnh viện Trẻ em cho thấy, bên cạnh số ca chủ quan, không đưa con em đến khám, điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng nặng, cũng có những ca bệnh từng khám và điều trị ở các phòng khám tư, sử dụng thuốc Tamiflu và các thuốc kháng virus khác nhưng thuốc điều trị không đúng phác đồ, không đúng thời điểm dẫn đến tình trạng bội nhiễm. “Tại bệnh viện, khi chỉ định điều trị thuốc kháng virus cho người bệnh, bác sĩ cẩn trọng khi xem xét chỉ định điều trị cho người này nhưng lại không điều trị cho người khác vì phải dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính, tình trạng y tế tiềm ẩn khiến người bệnh bị cúm nặng hơn, thời gian kể từ khi khởi phát các triệu chứng và nguy cơ lây lan cho những người tiếp xúc. Chưa kể việc sử dụng Tamiflu tràn lan dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng, virus gây bệnh phát triển ở mức cao hơn. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc Tamiflu”, BSCK2 Hoàng Sơn nhấn mạnh.

Bảo đảm cung ứng thuốc và quản lý giá 

Trên thực tế, mặc dù được các bác sĩ cảnh báo về mối nguy hại của việc tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm mùa song nhiều người dân vẫn tìm mua thuốc kháng virus Tamiflu bằng nhiều “kênh” khác nhau. Trong khi đó, có tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao tại một số hiệu thuốc, quầy thuốc. Để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, nhất là đối với các thuốc điều trị cúm A (Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm. Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, nhất là thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị; thực hiện đúng các quy định về mua, bán thuốc và quản lý giá thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh. 

Để ngăn chặn tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao, dược sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tiến Sơn, Phó giám đốc Sở Y tế đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm mùa, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng với các cơ sở khám, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết. Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả cao; tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi. 

Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp các cơ quan truyền thông tăng cường hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, giao Thanh tra Sở Y tế phối hợp Phòng Nghiệp vụ dược, Phòng Quản lý hành nghề tư nhân, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm thực phẩm và các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, nhất là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc bán cao hơn giá niêm yết…), các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập