Thị trường việc làm tại Hải Phòng: Người lao động nhiều cơ hội lựa chọn

03:47 CH 12/01/2019

Công nhân nhà máy sản xuất ô tô VinFast trên dây chuyền sản xuất xe máy điện. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Người chọn việc

Phạm Thành Trung tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Hàng hải Việt Nam năm 2017. Mới đầu, Trung làm việc cho một doanh nghiệp bảo hiểm. Đây cũng từng là nơi em thực tập, làm việc bán thời gian trong thời kỳ còn là sinh viên. Tuy nhiên, làm được một thời gian, Trung xin nghỉ đi tìm việc khác. Lý do theo Trung vì lương thấp (4-5 triệu đồng/tháng), công việc không mấy hấp dẫn. Trung ứng tuyển và trúng tuyển, đi làm tại doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG trong Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương). Gần 1 năm nay, Trung tạm thời yên tâm với công việc của mình, mức lương khá ổn (10-12 triệu đồng/tháng). Trường hợp thay đổi công việc để có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn như Phạm Thành Trung hiện không ít. Chỉ mới khoảng 5 năm trở về trước, khi chưa có nhiều việc làm tại các doanh nghiệp như bây giờ, để tìm được công việc phù hợp, người lao động khá vất vả. Nay ngược lại, người lao động có cơ hội lựa chọn công việc, môi trường tốt hơn theo yêu cầu của mình, nhất là với những lao động có trình độ, tay nghề. Nhiều lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản qua các trường nghề luôn được doanh nghiệp săn đón, trả mức lương cao hơn mặt bằng chung. Thậm chí nhiều sinh viên các nghề kỹ thuật như hàn, điện, điện tử công nghiệp, điện lạnh… được doanh nghiệp “mời gọi”, sẵn sàng nhận về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Lao động phổ thông cũng có sự lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn với bản thân. Đơn cử, nếu làm việc ở doanh nghiệp này nhưng chưa thỏa mãn với mức lương, chế độ bảo hiểm xã hội, phúc lợi, người lao động sẵn sàng chuyển việc sang doanh nghiệp khác. Thực tế này cho thấy cơ hội việc làm cho người lao động rất rộng mở.

Việc làm đòi hỏi chất lượng cao

Song song với việc có nhiều lựa chọn công việc, môi trường lao động tốt hơn, chất lượng việc làm cũng được nâng lên. Người lao động được đào tạo bàn bản hơn, có kỹ thuật hơn, thu nhập, đời sống được nâng cao. Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Điểm đáng chú ý, Hải Phòng không thu hút doanh nghiệp bằng mọi giá mà có sự chọn lọc, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, lao động có trình độ kỹ thuật, quá trình sản xuất ít ảnh hưởng đến môi trường. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển đổi theo hướng hiện đại; các ngành công nghiệp phát triển theo hướng sử dụng công nghệ cao để làm ra sản phẩm tinh xảo hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng “khó tính” của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong lĩnh vực dịch vụ, 1-2 năm nữa, khi hàng loạt khách sạn 5 sao và nhiều dự án phát triển hạ tầng du lịch “tỷ đô” trên địa bàn thành phố hoàn thành và đi vào hoạt động, cần nguồn nhân lực không chỉ thạo nghề mà phải giỏi ngoại ngữ. Để tận dụng cơ hội này, cần nhất là nâng cao chất lượng lao động bằng việc đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phân tích thực tế nhu cầu lao động tại doanh nghiệp, khuyến khích người lao động học nghề để được đào tạo bài bản về kỹ thuật, kỹ năng lao động. Người lao động chủ động xác định phải học tập để có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao mới đáp ứng được yêu cầu làm việc trong môi trường doanh nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Đối với các trường nghề, nắm bắt cơ hội, đổi mới cách đào tạo, đầu tư trang thiết bị dạy nghề hiện đại, sát với yêu cầu của doanh nghiệp Theo đánh giá của Trưởng Phòng Việc làm, An toàn lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hữu Cường, Hải Phòng đang là nơi có cơ hội việc làm rất rộng mở. Lực lượng lao động của thành phố không đủ để đáp ứng nên Hải Phòng “hút” lao động ở nhiều vùng miền về làm việc, trong đó có cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp phải tổ chức tuyển lao động, cho xe đưa đón công nhân đi làm từ các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh… Dự báo trong năm 2019, các doanh nghiệp lớn như VinFast, LG, Regina Miracle… tạo thêm khoảng vạn việc làm mới. Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là lao động có chuyên môn và trình độ ngoại ngữ, dễ tìm việc có thu nhập cao. Trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội thành phố, thị trường lao động - việc làm sẽ còn nhiều khởi sắc với màu tươi sáng. 

 

Năm 2018, toàn thành phố giải quyết việc làm 54.500 lượt lao động, đạt kế hoạch năm và bằng 100,36% so với năm 2017. Trong đó chủ yếu là việc làm trong nước với 53.200 lượt lao động; xuất khẩu lao động 1.300 người, bằng 68,42% so với năm 2017. Sàn giao dịch việc làm thành phố tổ chức 39 phiên với hơn 1.380 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Tiếp nhận, hướng dẫn xây dựng thỏa ước lao động tập thể 281 doanh nghiệp, bằng 202% so với năm 2017. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo 51.000 học sinh, sinh viên. Trong đó hệ cao đẳng và trung cấp đạt 8.800 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đạt 42.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 57%; lao động có chứng chỉ trở lên đạt 33%