Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp: Nhà trường cần chủ động

09:36 SA 13/03/2021

 

Thực hành nghề kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng.

 

 

 

(HPĐT)- Chỉ còn 3 tháng nữa, học sinh các cấp sẽ kết thúc năm học. Đây cũng là thời điểm học sinh cuối cấp THCS, THPT cần được định hướng nghề nghiệp để có sự lựa chọn phù hợp nhất.

 

 

 

Chọn học theo “phong trào”

 

 

Chị Nguyễn Thị Hoài, ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão) có con gái đang học lớp 12. Khi được hỏi anh, chị định hướng con thế nào trước khi con tốt nghiệp THPT? Chị Hoài cười: “Chắc cháu sẽ học đại học như các bạn khác”. Anh Nguyễn Văn Phú, ở phường Quán Trữ (quận Kiến An) cũng cho biết, sẽ cho con học đại học  sau khi tốt nghiệp THPT. Điều đáng nói, cả con chị Hoài và con anh Phú đều có học lực trung bình, nếu chọn trường đại học tốp đầu thì vượt quá năng lực bản thân, còn học “trường đại học nào đó" thì sau này tìm kiếm việc làm cũng không dễ. Chưa kể, với những học sinh có học lực trung bình, việc học đại học với nhiều môn học “hàn lâm” là khó khăn. Thực tế cho thấy nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng vì không theo được khối lượng kiến thức lớn.

 

 

Theo cô Vũ Thị Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường THCS Trường Thọ (huyện An Lão), hiện nay có hiện tượng học sinh thi chọn  học đại học theo “phong trào”, nghĩa là theo số đông mà không biết việc học đó có phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và gia đình không. Do đó, nhiều học sinh chọn “nhầm” ngành học, trường học dẫn tới hiệu quả học không cao. Đối với học sinh cuối cấp THCS, nhiều gia đình cho con tiếp tục học ở trường THPT ngoài công lập nếu không thi đỗ vào trường THPT công lập thay vì học nghề hay vừa học văn hóa vừa học nghề. Điều này cũng khó trách vì học sinh chưa đủ “chín chắn” để suy nghĩ, quyết định việc học thế nào cho phù hợp nhất, còn nhiều bậc cha mẹ học sinh vẫn mong muốn con học đại học để “bằng bạn bằng bè”. Đây cũng là “lực cản” trong định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh cuối cấp.

 

 

Tư vấn, định hướng cụ thể, thiết thực

 

 

Trừ những gia đình có cha mẹ nắm chắc các thông tin về kinh tế- xã hội, xu hướng việc làm, thị trường lao động sẽ định hướng chính xác, kịp thời cho con về việc học tập tiếp sau bậc THPT, chọn nghề, chọn trường học, còn lại phần đông cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến việc này, “phó thác” cho nhà trường. Tại các trường THCS, THPT hiện nay có một số tiết học về giáo dục định hướng, lồng ghép trong môn học giáo dục công dân hoặc hoạt động ngoại khóa của lớp, của trường. Tuy nhiên với số tiết học ít, giáo dục lồng ghép nên hiệu quả chưa cao. Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Vũ Thị Kim Oanh rút ra kinh nghiệm, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần làm từ sớm, ngay từ cấp THCS để các em “ngấm” dần.

 

Tuy nhiên, thầy, cô giáo cũng chưa phải là những người tư vấn, định hướng nghề nghiệp tốt nhất cho các em. Bởi không phải thầy, cô nào cũng biết đầy đủ thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường việc làm. Do đó, rất cần những giáo viên có chuyên ngành về công tác xã hội, hiểu sâu, nắm bắt các thông tin về xu hướng học tập, công việc, nghề nghiệp để tư vấn, định hướng nghề cho học sinh chất lượng, hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, các trường cần sự phối hợp của những “chuyên gia” không chỉ tuyên truyền giỏi, mà có thực tế công tác, làm việc tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu… để định hướng, tư vấn giúp các em lựa chọn ngành học, nghề học phù hợp.

 

 

Để làm tốt công tác định hướng nghề cho học sinh cuối cấp, rất cần sự vào cuộc của các trường học, trường nghề, cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp với chức năng nhiệm vụ của mình tham mưu thành phố các cơ chế, chính sách thu hút học sinh học nghề, tạo nguồn lực lao động kỹ thuật cho xã hội. Như thành phố xem xét miễn, giảm học phí, khuyến khích học nghề đối với một số ngành nghề đặc thù của địa phương; tổ chức kết nối doanh nghiệp-trường nghề-trường học bằng các hoạt động, ngày hội tư vấn việc làm giúp các học sinh và cha mẹ được tiếp cận thông tin về nghề nghiệp nhiều hơn. Ban giám hiệu các trường THCS, THPT giáo viên chủ nhiệm các lớp cuối cấp phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên trường nghề, chuyên gia nghề nghiệp có các buổi định hướng, tư vấn nghề cho học sinh và cha mẹ. Riêng các trường  nghề thuộc hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp cần phát huy vai trò chủ động, tích cực hơn, đa dạng trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp học nghề.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông Vận tải trung ương 2 cho biết: “Mỗi cán bộ, giáo viên trường nghề phải trở thành “kênh thông tin” lan tỏa sâu rộng để cha mẹ, học sinh tham khảo, biết đến thế mạnh của học nghề để có dự lựa chọn phù hợp nhất”. Bên cạnh đó, các trường cũng cần cam kết về chất lượng dạy nghề, cơ hội việc làm sau đào tạo và thu nhập… Đây sẽ là những “lợi thế” của trường nghề khi cạnh tranh với loại hình giáo dục đại học và chuyên nghiệp./.