Đưa nhạc kịch lên sân khấu Hải Phòng
(HPĐT)- Tại Hải Phòng, nhạc kịch còn khá mới mẻ, kén người xem và chưa có đủ những điều kiện cần thiết để phát triển mạnh mẽ. Dù vậy, với mong muốn phát triển sân khấu toàn diện, ngành Văn hóa – Thể thao thành phố nỗ lực đưa những tác phẩm nhạc kịch kinh điển tới người dân đất Cảng…
“Làm mới” sân khấu
Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng Đinh Thị Bích Liên thông tin, tháng 8-2024, trong không gian sang trọng, đậm chất nghệ thuật của Nhà hát thành phố, vở nhạc kịch “Carmen” được tái hiện qua diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, các nghệ sĩ, ca sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Hải Phòng và Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voice.
Được cô đọng trong thời lượng khoảng 2 giờ đồng hồ, vở diễn giữ nguyên những giá trị cốt lõi của tác phẩm nhạc kịch kinh điển, song được lồng ghép những yếu tố sáng tạo mang tính hiện đại, gần gũi hơn với người nghe, người xem hôm nay. Theo biên đạo múa Nguyễn Minh Trang, Phó trưởng Phòng Nghệ thuật (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), tác phẩm có sự thay đổi với phiên bản của đạo diễn Leung Siu Kwan (nghệ danh Cindy) người Hồng Kông (Trung Quốc) nhằm mang đến công chúng thành phố một “version” mới. “Đó là màn biểu diễn của các diễn viên múa thực sự chứ không phải từ dàn hợp xướng nữa. Các diễn viên múa hòa nhập nhanh chóng với thể loại này và hứa hẹn mang đến người xem nhiều bất ngờ", biên đạo múa Nguyễn Minh Trang bật mí.
Trước đó, cuối năm 2023, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (Les Misérables) cũng được Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật thành phố thực hiện tại Hải Phòng, với ekip đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, các nghệ sĩ, ca sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Hải Phòng và Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voice. Dàn dựng từ tiểu thuyết nổi tiếng của đại văn hào người PhápVictor Hugo, vở nhạc kịch “kể” câu chuyện bằng âm nhạc về Jean Valjean - người đàn ông bị kết án tù vì lấy cắp một ổ bánh mì - sau đó trở thành người thành đạt. Với các bản nhạc trầm buồn, đầy cảm xúc và ca từ ý nghĩa, “Những người khốn khổ” trở thành một trong những vở nhạc kịch thành công nhất mọi thời đại.
Biến thách thức thành cơ hội
Để dàn dựng được tác phẩm nhạc kịch đòi hỏi kinh phí khá lớn. Ở Việt Nam, ngoài khó khăn về tài chính, các nhà hát, đơn vị tổ chức biểu diễn còn thiếu đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, bởi đòi hỏi các nghệ sĩ, ca sĩ vừa hát opera, vừa diễn xuất. Số lượng các ca sĩ trong thể loại này còn quá ít và số lượng nghệ sĩ có thể đảm nhiệm vai diễn chỉ… trên đầu ngón tay.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, thời gian qua, số lượng vở nhạc kịch biểu diễn ở thành phố Cảng chưa nhiều, song với tầm vóc và sức sống vượt thời gian của 2 vở diễn tạo bước chuyển mình của sân khấu Hải Phòng trong xu hướng tiếp cận âm nhạc cổ điển thế giới… Những yếu tố được xem là thế mạnh giúp Hải Phòng có thể “ươm mầm” phát triển nhạc kịch như: sở hữu Nhà hát thành phố, vốn được coi là bản sao thu nhỏ của nhà hát ở Paris (Pháp) với không gian biểu diễn sang trọng, là lựa chọn hàng đầu để biểu diễn opera trên toàn quốc. Ngoài ra, thành phố còn có các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mạnh, như: Đoàn Ca múa Hải Phòng, Đoàn Văn công Quân khu Ba, Đoàn Văn công Hải quân với những ca sĩ, nghệ sĩ có thể đáp những yêu cầu cao của loại hình nghệ thuật này.
Để thực hiện các vở diễn, Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng đặt hàng ekip Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện vở diễn mang diện mạo mới, phù hợp sân khấu Hải Phòng. Các nghệ sĩ, diễn viên Hải Phòng được lựa chọn cẩn trọng, tham gia luyện tập cùng ekip thực hiện chương trình trước nhiều tháng. Từng ca sĩ, nhóm múa luyện tập riêng với ekip thật nhuần nhuyễn, sau đó mới ghép với dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng Hanoi Voice. Khi tham gia vở “Carmen”, ca sĩ trẻ Nguyễn Bảo Nguyên (Đoàn Ca múa Hải Phòng) dành thời gian và tâm huyết trong gần nửa năm để nghiên cứu tác phẩm, cốt truyện và tập luyện. “Chúng tôi tập luyện từ kỹ thuật thanh nhạc, ngôn ngữ hình thể đến trang phục... May mắn, chúng tôi học hỏi được nhiều từ các chuyên gia Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam” – ca sĩ Bảo Nguyên bày tỏ. Còn ca sĩ trẻ Nguyễn Minh Ngọc (Đoàn Văn công Quân khu Ba) thường quen với các bài hát cách mạng hoặc trữ tình, nay nỗ lực luyện tập để hát nhạc cổ điển bằng tiếng Pháp… Như vậy, thay vì “sợ” thì các nhà quản lý văn hóa, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Hải Phòng mạnh dạn “thử”, biến thách thức thành cơ hội tập luyện, biểu diễn ở lĩnh vực khó.