Nhạc kịch lên ngôi

03:28 CH 29/12/2024

(HPĐT)- Với sự xuất hiện của vở nhạc kịch kinh điển nước ngoài “Carmen” (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) và 2 vở nhạc kịch Việt Nam: “Giấc mơ Chí Phèo” (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) và “Bỉ vỏ” (Đoàn Ca múa Hải Phòng), xu hướng mới được mở ra từ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024. Nhạc kịch mang đến hơi thở mới, tạo ra “thực đơn” phong phú, thay vì hiện nay, nhạc pop đang chiếm sóng cả truyền hình lẫn concert…

 

Nhạc kịch "Bỉ vỏ" mở ra xu hướng mới trong nghệ thuật biểu diễn và thưởng thức ca múa nhạc tại Hải Phòng. Ảnh: ĐỖ HIỀN
 

"Làn sóng mới"

Tháng 8-2024, công chúng thành phố Cảng được thưởng thức vở nhạc kịch “Carmen” qua diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, các nghệ sĩ, ca sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật Hải Phòng và Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voice. Vở nhạc kịch do đạo diễn NSND Nguyễn Hồng Phong cùng ekip sáng tạo thay đổi so với phiên bản của đạo diễn Leung Siu Kwan (nghệ danh Cindy) người Hồng Kông (Trung Quốc), mang đến công chúng thành phố trải nghiệm mới. Đây không phải lần đầu sân khấu ca múa nhạc Hải Phòng biểu diễn vở nhạc kịch kinh điển nước ngoài. Trước đó, cuối năm 2023, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (Les Misérables) cũng được Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng phối hợp Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện tại Hải Phòng. Dàn dựng từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của đại văn hào người Pháp Victor Hugo, “Những người khốn khổ” trở thành một trong những vở nhạc kịch thành công nhất mọi thời đại. Số lượng chưa nhiều song với tầm vóc và sức sống vượt thời gian của 2 vở diễn đã mang đến sân khấu Hải Phòng bước chuyển mình ngoạn mục với xu hướng tiếp cận âm nhạc cổ điển thế giới…

Không dừng lại ở việc đưa nhạc kịch kinh điển nước ngoài về sân khấu thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao giao Đoàn Ca múa Hải Phòng “Việt hóa” nhạc kịch, dàn dựng vở diễn, với kịch bản, ekip sáng tạo và nghệ sĩ, diễn viên "người trong nhà". Tháng 6- 2024, vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” ra đời, thu hút sự quan tâm, thưởng thức của người xem và giới chuyên môn ngay khi vừa ra mắt. Theo Tổng đạo diễn Tuyết Minh, vở diễn không minh họa lại tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, mà dùng nhiều đối thoại lồng ghép âm nhạc, đạo cụ cũng như thiết kế các cảnh sân khấu để thể hiện nổi bật nội dung tác phẩm cũng như tính cách và quan hệ của các nhân vật. Còn nhạc sĩ Lưu Quang Minh, người sản xuất âm nhạc cho nhạc kịch “Bỉ vỏ” bày tỏ, để người xem cảm nhận phong cách nhạc kịch nguyên gốc mà không mất đi hồn Việt, anh sử dụng chất liệu Rock cho một số tác phẩm với một chút u tối, dữ dội và giằng xé; ngoài ra, các chất liệu rộn ràng của Funky trong các màn của “Tài Xế Cấu” hay cách điệu của Jazz mang đến nhiều màu sắc cho các phân cảnh khác của vở nhạc kịch. Vở diễn được mang đi dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 1)…

“Làm nên chuyện” với nhạc kịch

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 (đợt 1) diễn ra từ ngày 21 đến ngày 30-11 tại tỉnh Vĩnh Phúc, quy tụ gần 1 nghìn nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc trên cả nước. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Liên hoan là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp được tổ chức với tinh thần kế thừa, phát huy và tôn vinh, quảng bá các giá trị đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đánh giá chất lượng nghệ thuật Liên hoan, NSND Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan nhận định: Một số chương trình được đầu tư xây dựng rất công phu với bố cục chặt chẽ, biết kết hợp tương tác trang trí mỹ thuật, đạo cụ, hình ảnh, công nghệ, coi trọng và nâng cao yếu tố hấp dẫn, tính giải trí trong tiết mục; kết hợp khai thác giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữa các hình thái sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng với lối trình diễn của sân khấu đương đại, tạo điều kiện để các nghệ sĩ có cơ hội thăng hoa tỏa sáng ở từng phần diễn. Đáng chú ý, liên hoan xuất hiện một số vở diễn ở thể loại nhạc kịch, thanh xướng kịch, nhạc vũ kịch, trong đó có opera ballet là một trong những kiệt tác nghệ thuật của thế giới cũng đã được trình diễn, cho thấy nỗ lực cao của các đơn vị, bởi đây là những thể loại cần đầu tư đồng bộ từ tất cả các khâu sáng tạo đến năng lực nguồn nhân sự.

Kết quả chung cuộc, cả 3 vở nhạc kịch đều được ghi danh ở các giải cao; trong đó, nhạc kịch “Bỉ vỏ” của Đoàn Ca múa Hải Phòng được trao huy chương bạc vở diễn; 2 huy chương vàng các tiết mục: “Sống mòn” (vai Năm Sài Gòn cho NSƯT Đức Hoài, solits violin nhạc sĩ Chu Tâm Huy cùng dàn nhạc), “Người đàn bà bạc phận” (vai Tám Bính cho nghệ sĩ Khánh Ngọc cùng dàn nhạc); 3 huy chương bạc các tiết mục. Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trao bằng khen tặng tập thể nghệ sĩ múa Đoàn Ca múa Hải Phòng; Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải Nhạc sĩ sáng tác xuất sắc cho nhạc sĩ Lưu Quang Minh, Giám đốc âm nhạc của nhạc kịch “Bỉ vỏ”. Cùng với những giải cao tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024, nhạc kịch “Bỉ vỏ” cũng để lại dấu ấn trong lòng công chúng Hải Phòng về xu hướng mới mà chính Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Xuân Bắc từng chia sẻ: “Việt Nam sẽ có nhiều tài năng trẻ làm nên chuyện với nhạc kịch...”./.

 
BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập