Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm: Giải pháp giảm nghèo thực chất

09:01 CH 23/12/2024

(HPĐT)- Năm 2024, toàn thành phố có hơn 1.800 hộ nghèo, hơn 7.300 hộ cận nghèo sinh sống ở khu vực nông thôn. Để xóa nghèo thực chất, bền vững, các sở, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

 

Học viên tham gia lớp trồng khoai tây do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lãng tổ chức.
 

Chú trọng khâu rà soát, dạy nghề 

Thu thập dữ liệu lao động, nhu cầu việc làm của các trường hợp yếu thế, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhiều địa phương thực hiện nhằm phục vụ bảo đảm an sinh xã hội cũng như công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố những năm tới. Chị Phạm Thị Lan, công chức Văn hóa - Thống kê xã Du Lễ (huyện Kiến Thụy) thông tin: Qua rà soát gần 1.500 hộ dân sinh sống trên địa bàn năm 2024 cho thấy có 14 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,77%) và 15 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,78%). Để có con số chính xác, cán bộ xã không chỉ tiến hành chấm điểm qua phiếu điều tra và đánh giá cụ thể từng tiêu chí thiếu hụt, nhất là tiêu chí thu nhập (dưới mức 1,5 triệu đồng/người/tháng), mà còn thu thập thêm các thông tin về số người trong độ tuổi lao động, năng lực, chuyên môn của từng cá nhân để thuận lợi trong công tác tham mưu xây dựng chính sách. 

Trên cơ sở xác định đó, nhiều địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề đối với lao động chưa có kỹ năng nghề cơ bản. Theo Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng Hoàng Thị Thúy, tháng 9-2024, Phòng phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 3 lớp dạy nghề trồng hoa, cây cảnh. Mỗi lớp khoảng 35 học viên là lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm, người chấp hành xong án phạt tù, trở về cộng đồng… Qua những lớp học nghề, nhiều lao động sớm tìm được giải pháp thoát nghèo. Chị Lâm Thị Dinh, 42 tuổi, ở thôn Đại Công, xã Tiên Cường (huyện Tiên Lãng) cho biết, với mong muốn nâng cao thu nhập, chị theo lớp học nghề trồng khoai tây do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Thấy lớp học hữu ích, bổ sung nhiều kiến thức mới, chị Dinh đề xuất Trung tâm tiếp tục tổ chức thêm các lớp đào tạo về kỹ năng chăn nuôi gia trại, trang trại, nâng cao kinh tế hộ để có thể đa dạng hóa loại hình kinh tế, đạt thu nhập từ 200-220 triệu đồng/năm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp 

Cùng với việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, nhiều địa phương chú trọng các giải pháp giảm tỷ lệ người không có việc làm thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Xiệu, đầu năm 2024, huyện Thủy Nguyên còn 524 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,47%, hộ cận nghèo 2.012 hộ, chiếm tỷ lệ 1,80%. Để giảm nghèo, Phòng phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề móc thủ công, liên hệ giới thiệu người lao động sau đào tạo đến làm việc ở một số nơi như: Xưởng may An An… Nhờ vậy, đến tháng 12-2024, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo giảm 50%. 

Còn Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Lão Nguyễn Văn Phương thông tin: Đơn vị vừa hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho 3.300 lao động trên địa bàn huyện trong năm nay. Để có kết quả này, Phòng tham mưu UBND huyện tăng cường công tác thu thập thông tin, cập nhật dữ liệu người lao động có nhu cầu tìm việc, chuyển việc, gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Quyết tâm cao trong thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền cho biết, thực hiện Kế hoạch số 143 của UBND thành phố về thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo chính sách trên địa bàn thành phố năm 2024, Sở chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn và các chính sách khác trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở tiến hành kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch báo cáo UBND thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Bên cạnh đó, Sở giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng hướng dẫn, giới thiệu các trường hợp vừa qua đào tạo nghề được tiếp cận công việc phù hợp năng lực, trình độ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế hộ. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập