Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên nước ứng dụng công nghệ số: Bảo vệ nguồn nước ngọt cho thành phố

04:09 CH 05/08/2024

 

Hệ thống sông Đa Độ đoạn qua thị trấn An Lão. Ảnh: TRUNG KIÊN

 

(HPĐT)- Nhằm tăng cường quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ số, coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh.

 

Kiểm soát chủ nguồn thải bằng công nghệ số

 

Từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố cấp 109 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thăm dò nước dưới đất; 491 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và hệ thống công trình thủy lợi. Các thông tin liên quan đến đơn vị, cá nhân được giấy phép tài nguyên nước, lưu lượng, vị trí, tọa độ điểm khai thác/xả nước thải; thời hạn giấy phép được cập nhật thường xuyên vào phần mềm cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của thành phố. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác, xả nước thải trên địa bàn thành phố. Trong 6 tháng năm 2024, Sở trình UBND thành phố cấp 11 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; khai thác, sử dụng nước dưới đất. Các giấy phép cấp mới đều được cập nhật chung vào cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thành phố.

 

Theo Phó phòng phụ trách Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước Lã Như Trang, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều đề án điều tra cơ bản tài nguyên nước và các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tập trung công tác điều tra hiện trạng, quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Cụ thể là các đề án về xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước (giai đoạn 1); đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước trên địa bàn thành phố; khoanh định vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; điều tra, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố; đề án xây dựng kế hoạch quản lý môi trường nước mặt cho các sông, hồ nội tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của thành phố. Trên cơ sở dữ liệu tài nguyên nước khảo sát, việc cấp phép tài nguyên nước bảo đảm chặt chẽ hơn, nhất là giấy phép xả nước thải. Nguồn tiếp nhận nước thải của các dự án được xác định dựa trên mục đích sử dụng nước và sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải của các nguồn nước.

 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu tài nguyên nước

 

Theo Kế hoạch 171/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó, thành phố tập trung đề án điều tra cơ bản tài nguyên nước. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án thu thập, cập nhật, chuẩn hóa nội dung thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý của thành phố để cung cấp, cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thành phố và Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, bao gồm các nội dung điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt; đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt; đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt; xác định dòng chảy tối thiểu trên hệ thống sông nội tỉnh; đánh giá đặc trưng nguồn nước dưới đất, trữ lượng, chất lượng nước; tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất; khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất, điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Bên cạnh đó, sở tiếp tục xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước; đo đạc mặt cắt sông, suối; điều tra, đánh giá diễn biến sạt lở lòng, bờ, bãi sông; điều tra, khảo sát phục vụ lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; điều tra, khảo sát phục vụ lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

 

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Phương, để bảo vệ chất lượng nguồn nước ngọt, Sở chủ trì phối hợp các sở, ngành và chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản liên quan. Sở đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023, tăng cường hiệu lực thực thi của các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước. Đồng thời đề nghị các địa phương nằm trong lưu vực sông tích cực ngăn chặn việc xả nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước ngay từ khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị, tích cực phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên nước liên tỉnh, liên vùng.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập