Xây dựng doanh nghiệp hiện đại
Hiện đại hóa các phần việc, giảm bớt hoạt động tuyên truyền, quản lý, giám sát thủ công về an toàn lao động (ATLĐ) bằng ứng dụng công nghệ thông tin, đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiệu quả cao.
Kết nối mạng nội bộ, giám sát ATLĐ
Tại Phòng An toàn Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng lắp đặt màn hình lớn 70 inch. Trên màn hình liên tục hiện ra hình ảnh của văn bản, kế hoạch, phương án thi công được phê duyệt, hiện trường các công nhân làm việc. Dù ở xa như các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng hay gần trung tâm như các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, hình ảnh hiện trường đều được truyền về kịp thời giúp cán bộ Phòng ATLĐ cũng như lãnh đạo công ty, các bộ phận liên quan có thể kiểm tra công việc của các tổ, đội sản xuất tại hiện trường bất cứ lúc nào.
Phó giám đốc công ty phụ trách ATLĐ Phạm Văn Tắm cho biết: “Chỉ cần ngồi tại phòng cũng kiểm tra được người lao động đang làm việc trực tiếp tại hiện trường, như việc mang, mặc trang thiết bị bảo hộ lao động, các công đoạn làm việc có đúng biện pháp an toàn đã được phê duyệt không. Bởi các quy trình được phê duyệt thực hiện công việc đều được quản lý trên mạng nội bộ và hiện trên màn hình”. Việc quản lý, giám sát tuy không trực tiếp tại hiện trường nhưng lại hết sức sát sao ở từng vị trí khiến người lao động có ý thức hơn khi làm việc. Bởi, chỉ cần sơ suất nhỏ không đúng quy định về ATLĐ, người lao động có thể bị dừng việc ngay lập tức. Các đầu việc của ngày hôm sau thực hiện ở tổ, đội sản xuất đều được kỹ thuật viên an toàn chuyên trách của từng cơ quan điện lực chịu trách nhiệm chuyển báo cáo, duyệt kế hoạch và gửi đầu việc về phòng ATLĐ trước 16 giờ ngày hôm trước. Nhờ chủ động như vậy nên bộ phận quản lý ATLĐ biết được cụ thể mỗi ngày có bao nhiêu đầu việc thực hiện, liên quan đến những ai, ở vị trí nào, kế hoạch bảo đảm ATLĐ ra sao, ai chịu trách nhiệm.
“Quan trọng là chúng tôi quản lý được công việc một cách tốt nhất dù địa bàn hoạt động rộng trên toàn thành phố, người lao động cũng có ý thức hơn bởi không chỉ có một, hai người trực tiếp giám sát công việc tại chỗ mà nhiều người đều có thể biết công việc mình làm đã đúng quy định về ATLĐ chưa”, ông Phạm Văn Tắm nhấn mạnh. Để thực hiện phương pháp quản lý, giám sát hiện đại này, công ty trang bị hơn 100 ipad cho các tổ, đội sản xuất. Người giám sát hiện trường khi công nhân làm nhiệm vụ, tùy theo yêu cầu của từng công việc cần chụp số lượng bao nhiêu ảnh, ở những khâu nào, ipad kết nối với mạng nội bộ công ty nên khi chụp, ảnh sẽ tự động gửi về hệ thống và hiển thị trên màn hình. Cách ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, giám sát về ATLĐ của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng đang là điểm sáng để nhiều doanh nghiệp tham khảo, nghiên cứu, có thể áp dụng vào những khâu công việc ở đơn vị mình.
Tuyên truyền qua màn hình ti vi
Phương pháp tuyên truyền bằng phát tờ rơi, băng đĩa, phù hợp hơn với những người có thời gian để đọc, xem. Với công nhân, lao động tại Cảng Hải Phòng, qua thời gian thực hiện, Công đoàn công ty, Phòng ATLĐ nhận thấy cần đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp hơn. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, Công đoàn công ty quyết định đầu tư ti vi màn hình lớn đặt tại khu vực có đông công nhân tập trung là nhà chờ của công nhân bốc xếp, nhà chờ công nhân vận hành máy và góc sinh hoạt chung. Đây là những nơi thường xuyên tập trung đông lao động khi giao ca, đầu giờ, hết giờ. Tại những nơi này, công nhân có thể vừa nghỉ ngơi, vừa xem ti vi thay vì phải cầm giấy đọc. Công đoàn công ty phối hợp với Phòng ATLĐ xây dựng chương trình tuyên truyền bằng lời kết hợp với hình ảnh sinh động.
Chủ tịch Công đoàn công ty Tô Hồng Sơn cho biết: “Tùy từng thời điểm nội dung tuyên truyền có thể khác nhau nhưng cơ bản đều là những quy định về ATLĐ bắt buộc phải thực hiện. Bộ phận liên quan sưu tầm nhiều tranh ảnh, tình huống minh họa các quy định pháp luật giúp công nhân, lao động dễ hiểu, dễ nhớ”. Màn hình hoạt động liên tục vào những giờ cao điểm đông công nhân có mặt tại những nơi này. Anh Nguyễn Văn Phong, công nhân xưởng sửa chữa Chi nhánh Cảng Tân Vũ nói: “Xem một lần không nhớ nhưng xem nhiều lần, nhiều ngày sẽ nhớ”. Biện pháp tuyên truyền qua màn hình còn tiết kiệm được nhiều giấy mực, công sức, kinh phí, có thể thay đổi nội dung khi bổ sung, sửa đổi quy định về ATLĐ.
Công ty TNHH Synztec Việt Nam (Khu công nghiệp No-mu-ra) cũng sử dụng màn hình ti vi để tuyên truyền về ATLĐ. Ti vi được đặt tại góc bảo hộ của công ty nơi có nhiều công nhân qua lại. Không chỉ tuyên truyền về các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, những hình ảnh cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn ở từng bộ phận cũng thường xuyên được trình chiếu. Góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATLĐ trong công nhân, lao động. Chủ tịch công đoàn công ty Đoàn Lệ Thương cho biết: “Nhờ ứng dụng công nghệ và đổi mới cách tuyên truyền thiết thực, nhận thức, ý thức của người lao động được nâng lên, nhiều năm qua công ty không xảy ra tai nạn lao động”.
Hướng tới xây dựng doanh nghiệp hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành là xu hướng được nhiều doanh nghiệp áp dụng góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giảm thiểu tai nạn lao động.
Huyền Chi