Xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế vùng Duyên hải Bắc bộ

11:14 SA 23/02/2023

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023)

 

 

Khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. 

 

(HPĐT)- Ngày 30-12-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kết luận số 226-KL/TU về sơ kết 5 năm (2017-2022) thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU về tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy bổ khuyết các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có các bệnh viện đạt trình độ khoa học kỹ thuật y học cao, với đội ngũ thầy thuốc giỏi và trang thiết bị hiện đại, phù hợp không gian phát triển sự nghiệp y tế các tỉnh lân cận trong vùng… Điều này đòi hỏi ngành Y tế Hải Phòng phải nhanh nhạy hơn nữa trong tham mưu, đề xuất thành phố các cơ chế, chính sách khả thi, tranh thủ nguồn lực đầu tư, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thử thách để đạt mục tiêu đề ra.

 

Chuyển mình mạnh mẽ sau đại dịch

Trong số hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế của thành phố Cảng tình nguyện tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp tích cực vào chiến thắng dịch bệnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Tiến Thành, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng là gương mặt tiêu biểu. Hai lần bác sĩ Thành làm trưởng đoàn công tác của thành phố, tình nguyện “xông pha” vào “tuyến lửa” ở thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh, trực tiếp điều trị những người bệnh nặng, nguy kịch. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về, anh đóng góp nhiều kinh nghiệm quý, nhất là thay đổi chiến lược trong cách ly, xét nghiệm, điều trị người mắc COVID-19, cùng tập thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hải Phòng.

 

Sau giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” đó, cuộc sống của người dân thành phố trở lại bình thường, nhưng các “chiến sĩ áo trắng” vẫn miệt mài với công tác khám, chữa bệnh trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung phát triển nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị ung thư, ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm, can thiệp tim mạch... Các bệnh viện nâng cao chất lượng điều trị, phân tuyến kỹ thuật, thực hiện có hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 của Bộ Y tế về công tác chỉ đạo tuyến. Cùng với đó, ngành tập trung cao công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Theo đó, ngành tiếp nhận, sáp nhập Bệnh viện Giao thông - Vận tải vào Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, với quy mô 610 giường bệnh; sáp nhập Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế các quận, huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) để thu gọn đầu mối, thuận lợi trong chỉ đạo hoạt động chuyên môn.

 

Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Y tế chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng các dự thảo nghị quyết trình HĐND thành phố xem xét, thông qua, như: quy định một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa. Tranh thủ sự ủng hộ nguồn lực của Trung ương và thành phố, ngành đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của một số đơn vị trực thuộc, với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng; mua sắm, lắp đặt 21 hệ thống khí y tế tại 21 đơn vị...

 

Để xứng đáng trở thành Trung tâm Y tế vùng Duyên hải Bắc bộ

Trước diễn biến phức tạp về dịch bệnh, mô hình bệnh tật thay đổi, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, đòi hỏi ngành Y tế phải tập trung, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Theo PGS.TS Lê Minh Quang, Giám đốc Sở Y tế, thời gian tới, ngành tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ: làm tốt công tác y tế dự phòng, thực hiện phòng bệnh chủ động tích cực; chú trọng phát triển y tế chuyên sâu, phát triển khoa học kỹ thuật mới hiện đại; tập trung đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ cán bộ y tế. Mặt khác, ngành thực hiện tốt các vấn đề chính sách quốc gia về thuốc, Luật Dược, chính sách quốc gia về y học cổ truyền, kinh tế y tế, hợp tác quốc tế, đào tạo huấn luyện, nghiên cứu khoa học và các nội dung khác; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ, lương tâm và trách nhiệm của thầy thuốc...

 

Để sớm trở thành Trung tâm Y tế vùng Duyên hải Bắc bộ, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị ngành Y tế tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị tiên tiến hiện đại từ tuyến quận, huyện đến tuyến thành phố, đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân thành phố. Ngành quan tâm đào tạo, đào tạo lại và có cơ chế thu hút nhân tài ngành Y tế; làm tốt công tác kêu gọi hợp tác y tế quốc tế, nhất là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như liên kết chặt chẽ các bệnh viện trong nước để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cũng như kỹ thuật khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, cần sự giúp đỡ của tuyến trên, như: ghép tạng, ghép gan, ghép tim... Cùng với đó, ngành Y tế cần tập trung đầu tư các bệnh viện chuyên ngành, như: Bệnh viện ung bướu tầm cỡ khu vực, bảo đảm các yêu cầu khám, chữa bệnh, điều trị người dân thành phố cũng như vùng Duyên hải Bắc bộ./.