Duy trì bền vững canh tác theo chuẩn VietGAP

02:33 CH 24/03/2025

(HPĐT)- Những năm gần đây, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trở nên quen thuộc trong sản xuất nông nghiệp. Phần lớn sản phẩm OCOP, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được áp dụng tiêu chuẩn này, tuy nhiên việc duy trì không được thường xuyên, liên tục. 

Thông thường, giấy chứng nhận VietGAP chỉ có hiệu lực trong 2 năm. Hết thời hạn, người sản xuất phải tiếp tục thực hiện quy trình đánh giá và được đơn vị chức năng chứng nhận lại. Một số nông dân thường chỉ thực hiện tiêu chuẩn VietGAP được vài năm, sau đó lại bỏ. Một số hộ được các dự án hoặc cơ chế của thành phố hỗ trợ cũng chỉ duy trì trong khoảng thời gian được hỗ trợ. Nguyên do chi phí để làm thủ tục để được chứng nhận VietGAP khá cao tùy theo từng đối tượng sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo tiêu chuẩn này đòi hỏi tuân thủ quy trình khắt khe, cơ sở vật chất, nguồn nước, mẫu đất phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Nhiều nông dân cho rằng quy trình sản xuất phức tạp, chi phí đầu tư nhiều nhưng giá bán sản phẩm cao hơn không đáng kể so với sản xuất theo cách thông thường, không muốn duy trì nếu không có hỗ trợ. 

Theo khảo sát, hiện có đến 80% số người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nông sản an toàn, đạt chuẩn VietGAP; sản phẩm có chứng nhận này giúp tăng 30- 40% giá trị thương mại so với sản phẩm không đạt chuẩn. Việc không duy trì quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trrường. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát các hộ đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, vận động, khuyến khích thực hiện lâu dài. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các hộ cũng cần chủ động đầu tư kinh phí duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn này.
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập