“Nỗi lo” thiếu nhân lực ngành Đóng tàu

04:51 CH 03/03/2024

 

Công ty Đóng tàu Hạ Long liên tục tuyển dụng lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

 

(HPĐT)- Già hóa lao động, thiếu hụt nguồn tuyển dụng mới, nguồn lao động chất lượng cao… là “bài toán” nan giải của các doanh nghiệp đóng tàu hiện nay. Theo khảo sát, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu của các doanh nghiệp khu vực phía Bắc trong những năm gần đây trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm, chưa kể lao động trực tiếp. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

 

Doanh nghiệp “đốt đuốc” tuyển lao động

 

Sau thời kỳ “chạm đáy”, khoảng 3 năm gần đây, ngành Đóng tàu có dấu hiệu phục hồi, phát triển.

 

 Năm 2023, giá trị sản xuất của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng đạt hơn 539 tỷ đồng (đạt 126% mức kế hoạch), doanh thu gần 422 tỷ đồng (đạt 105% mức kế hoạch), lợi nhuận 7,7 tỷ đồng. Năm 2024, đơn vị sẽ thi công 6 tàu dầu hóa chất tải trọng 13.000 tấn, 1 phao neo, sửa chữa 67 tàu. Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng Trần Quốc Chiến cho biết: Thiếu hụt nguồn nhân lực đang là “lực cản” đối với quá trình phục hồi, phát triển của doanh nghiệp. Nguyên nhân do lao động có tay nghề cao phần lớn đã nghỉ chế độ hoặc chuyển dịch sang các công việc khác; trong khi việc tuyển lao động ngành này cũng không dễ dàng khi nhiều công nhân, lao động “quay lưng” với nghề do tính chất nặng nhọc, độc hại... Khắc phục những khó khăn này, công ty tập trung nâng cao trình độ, tay nghề, cơ sở vật chất cũng như tạo dựng niềm tin để lao động yên tâm gắn bó với nghề.

 

Năm qua cũng là năm thành công của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long khi ký hợp đồng đóng mới 19 sản phẩm gồm: tàu khách, tàu du lịch, tàu hàng, ponton. Đặc biệt, đơn hàng seri 6 tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720, 1 tàu dịch vụ điện gió CSOV 9020 với Tập đoàn Damen và tiếp tục đặt hàng thêm 1 tàu CSOV 8720, nâng tổng số sản phẩm bổ sung cho giai đoạn 2023 - 2026 lên 8 chiếc. Theo Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ lao động Công ty Phan Thúc Hải; doanh nghiệp không còn lo thiếu việc làm, nhưng do “khan hiếm” nguồn lao động nên gặp khó khăn trong đáp ứng tiến độ thi công, chất lượng sản phẩm theo hợp đồng ký kết.

 

Tương tự, các doanh nghiệp như: Công ty CP Nosco Shipyard, Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm…, gặp khó trong tuyển dụng lao động. Phó tổng giám đốc Công ty CP Nosco Shipyard (xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) Trần Thị Hồng Nhung bày tỏ: Để đáp ứng nhu cầu đóng mới, thay thế, sửa chữa theo kế hoạch sản xuất năm, công ty liên tục tuyển dụng nhưng luôn trong tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu. Có thời điểm công ty cần tuyển dụng đến hàng trăm kỹ sư, quản lý có trình độ và lao động trực tiếp nhưng như “mò kim đáy bể”.

 

Nhà trường - doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ

 

Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư đóng tàu không chỉ có doanh nghiệp trong nước, mà còn cả công ty nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế, đóng tàu như: Hiệp hội đóng tàu Nhật Bản CAJS, Công ty IEMV Nhật Bản, Công ty EMEC VINA Hàn Quốc… Thế nhưng, những năm gần đây, ngành Đóng tàu của Trường đại học Hàng hải chỉ tuyển được khoảng 45 sinh viên/năm.

 

Tương tự, tại Trường cao đẳng VMU, Trường cao đẳng nghề Bách Nghệ Hải Phòng…, công tác tuyển sinh đối với ngành Đóng tàu gặp nhiều khó khăn. PGS, TS Lê Văn Điểm, Trưởng Khoa Máy tàu biển (Trường đại học Hàng hải Việt Nam) cho biết: Do chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố nên ảnh hưởng lớn đến nguồn tuyển sinh “đầu vào” đối với ngành Đóng tàu. Nguyên nhân do thu nhập chưa tương xứng so với những ngành, nghề khác. Không những thế, xu hướng ngành nghề hiện có sự thay đổi, chuyển hướng mạnh mẽ, phần lớn người học quan tâm đến các khối ngành kinh tế, công nghệ.

 

Theo các doanh nghiệp, nguồn nhân lực đóng tàu đang yêu cầu điều kiện ngày càng cao. Đối với lao động trực tiếp, muốn vững tay nghề phải qua đào tạo, rèn luyện từ 3-5 năm; đối với lao động chất lượng cao cần trình độ, tiếp cận khoa học công nghệ, ngoại ngữ, giao tiếp… Dự báo trong những năm tới, ngành Đóng tàu cần tuyển dụng số lượng lao động lớn, đòi hỏi các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch, định hướng phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

 

Để lấp “lỗ hổng” nguồn nhân lực đóng tàu trong thời gian tới, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cần nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, thu hút sinh viên theo học. Nhà trường và doanh nghiệp tăng cường phối hợp triển khai cơ chế đặt hàng, tuyên truyền tới người học về nhu cầu thị trường lao động, chế độ đãi ngộ đối với nhân lực ngành đóng tàu. Cụ thể, các doanh nghiệp đóng tàu cần thông tin, quảng bá bằng chính sách ưu đãi đối với sinh viên thực tập, tạo điều kiện để sinh viên có học bổng, thu nhập và định hướng tuyển dụng việc làm tại công ty. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người học ngành Đóng tàu, bởi đây là ngành học có vị trí quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố và cả nước trong thời gian tới.