Vụ việc tranh chấp đất đai tại phường Lãm Hà: Có thể làm đơn kiến nghị gửi cấp cao

Khu xưởng mộc nơi đang có tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn Kháu và Công ty cổ phần xây dựng 204. Ảnh: NGUYỄN THẮNG
(HPĐT)- Trang 4 Báo Hải Phòng hằng ngày số ra ngày 6-1 đăng bài “Bảo đảm quyền lợi người quản lý, đầu tư xưởng mộc của Công ty cổ phần xây dựng 204” liên quan khiếu nại của ông Nguyễn Văn Kháu, ở nhà số 35/2 phố Trần Huy Liệu, phường Quán Trữ (quận Kiến An). Ông Kháu khiếu nại bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Kiến An xét xử vụ án tranh chấp thửa đất số 174, tờ bản đồ số 10 thuộc phường Lãm Hà (quận Kiến An) giữa ông và Công ty cổ phần xây dựng 204 không đúng, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của ông. Sau phiên xét xử sơ thẩm tại TAND quận Kiến An, ông Kháu có đơn kháng cáo toàn bộ bản án; Công ty cổ phần xây dựng 204 có đơn kháng cáo một phần nội dung bản án. Vụ việc được TAND thành phố Hải Phòng thụ lý xét xử phúc thẩm từ ngày 13-10-2023.
Vừa qua, Báo Hải Phòng tiếp tục nhận được đơn khiếu nại của ông Kháu về việc cấp xét xử phúc thẩm bác toàn bộ nội dung kháng cáo của ông mà không xem xét hết các chứng cứ, hồ sơ tài liệu vụ việc dẫn tới phán quyết không chính xác, ảnh hưởng tới quyền lợi của ông. Trình bày với phóng viên báo Hải Phòng vào chiều 4-9, ông Kháu cho biết: Bản thân được lãnh đạo Công ty cổ phần xây dựng 204 giao nhiệm vụ quản lý, vận hành xưởng mộc. Khi công ty không có việc, xưởng phải tự khai thác việc làm để trả lương cho công nhân. Vấn đề này được chứng minh rõ ràng tại quyết định số 09/QĐHĐQT/CT ngày 23-5-2017 của công ty do Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty thời điểm đó là ông Lê Văn Thành ký. Đến năm 2005, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, ông mua thanh lý hai ngôi nhà bê tông cốt thép trên khu đất của xưởng mộc gồm 1 nhà 2 tầng 16 gian làm phòng làm việc và nơi ở cho công nhân và 1 hội trường cũ làm nơi đựng vật liệu. Trong suốt quá trình làm việc tại công ty từ năm 2002 đến năm 2022, ông thuê bảo vệ trông coi tài sản và khu đất 24/24 giờ. Theo tính toán của ông Kháu, số tiền ông chi cho việc cải tạo, nâng cấp đất, tài sản trên đất; mua tài sản thanh lý và bảo vệ khu đất là hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không xem xét tới tình tiết này, phán quyết ông mượn đất của Công ty cổ phần 204 để vận hành xưởng mộc. Tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra sáng 26-8- 2024, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm TAND thành phố quyết định, Công ty không phải bồi thường cho ông Kháu bất cứ khoản chi phí nào. Ngoài ra, bản án phúc thẩm cũng không xem xét tới tài sản ngôi nhà 2 tầng 16 gian và hội trường cũ. Đây là tài sản ông Kháu sử dụng tiền cá nhân mua lại vào giai đoạn 2005 - 2006, khi công ty thực hiện cổ phần hóa. Việc ông Kháu mua lại hai công trình này được chính Công ty cổ phần xây dựng 204 xác nhận tại thông báo số 155/TB-XD204 ngày 6-9- 2021. Phán quyết của cấp xét xử phúc thẩm bác toàn bộ đơn kháng cáo của ông, đồng thời không đề cập tới quyền lợi của ông đối với tài sản là hai công trình nói trên là không đầy đủ, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của ông.
Sáng 5-9, thẩm phán Nguyễn Minh Thu (TAND thành phố), chủ tọa phiên tòa dân sự phúc thẩm trên cho biết: Quá trình giải quyết vụ việc, Hội đồng xét xử xem xét đánh giá toàn diện chứng cứ, quan điểm các bên. Liên quan việc ông Kháu cho rằng ông được công ty giao quản lý, sử dụng khu đất để thực hiện nhiệm vụ, từ ngày 1-3- 2017, Công ty cổ phần xây dựng 204 có quyết định số 03/QĐ-CT về việc ông Kháu nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. Tại phiên tòa, đại diện công ty cho rằng, quyết định giao nhiệm vụ xưởng trưởng cho ông Kháu ký ngày 23-5-2017 là không đúng. Liên quan việc ông Kháu cho biết đã bỏ tiền mua lại gian nhà 2 tầng và hội trường, ông Kháu không cung cấp được hồ sơ, căn cứ chứng minh. Theo kết quả định giá tài sản vật kiến trúc trên khu đất ông Kháu đang quản lý sử dụng ngày 4-1-2023 của Phòng Quản lý đô thị quận Kiến An, gian nhà 2 tầng và hội trường hết khấu hao, giá trị bằng 0; tổng giá trị tài sản vật kiến trúc còn lại trên khu đất là 37,8 triệu đồng. Tại phiên tòa, Công ty cổ phần xây dựng 204 nhất trí trả lại giá trị tài sản cho ông Kháu, làm tròn thành 50 triệu đồng để hỗ trợ ông di dời, trả lại đất cho công ty.
Theo Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Như vậy, trường hợp ông Kháu không nhất trí với phán quyết của cấp phúc thẩm và có căn cứ chứng minh bản án phúc thẩm vi phạm pháp luật thì làm đơn đề nghị gửi Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ việc theo trình tự giam đốc thẩm, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.