Báo động tình trạng ô nhiễm kênh An Kim Hải

10:54 SA 27/03/2021

 

Kênh An Kim Hải thường xuyên bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường chung quanh.

Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng nạo vét dòng kênh An Kim Hải (đoạn qua cầu vượt Lạch Tray).

 

                                                                                                     

(HPĐT)- Kênh An Kim Hải có chiều dài 69,3 km chạy qua thành phố Hải Phòng- tỉnh Hải Dương, có nhiệm vụ cung cấp nước gần 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng trăm triệu m3 nước thô cho các nhà máy nước sạch của hai địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hệ thống thủy lợi này đang ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải bủa vây.

 

 

 

524 điểm xả thải gây ô nhiễm môi trường

 

 

Theo kết quả điều tra năm 2020 của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện hệ thống công trình thủy lợi An Kim Hải có tổng số 524 điểm xả thải gây ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải chính là công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp, làng nghề… Đáng nói, nhiều doanh nghiệp chưa được cơ quan chức năng cấp phép xả thải. Bằng mắt thường quan sát cũng dễ nhận thấy sự ô nhiễm môi trường nguồn nước ngày càng gia tăng tại một số khu vực tuyến kênh thường xảy ra tình trạng nước đen, đục, thậm chí có khu vực nước có mùi hôi, thối, nhất là đoạn chảy qua địa bàn quận Hải An; đoạn qua địa bàn các xã: Đồng Thái, An Đồng (huyện An Dương).

 

 

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tùng Phong, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ NN-PTNT (chủ nhiệm đề tài mô hình tổng thể cải thiện môi trường nước trong hệ thống thủy lợi An Kim Hải phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt), từ số liệu quan trắc của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường, những năm gần đây, chất lượng nước mặt trong hệ thống thủy lợi An Kim Hải chủ yếu bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh  (COD gấp 8 lần; Coliform gấp 5-7 lần QCVN, cột A2). Tình trạng nước ô nhiễm ở hệ thống thủy lợi An Kim Hải tác động xấu đến cấp nước sinh hoạt, vì đây là hệ thống cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu của thành phố Hải Phòng (chiếm 80% tổng lượng nước cấp của thành phố). Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp do nhiều vùng chất lượng nước không bảo đảm cho cấp nước tưới tiêu.

 

 

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm kênh An Kim Hải là do sự phát triển quá nóng về đô thị và công nghiệp trên địa bàn huyện An Dương và các địa phương liên quan. Theo đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư làm chia cắt, phá vỡ quy hoạch thủy lợi hiện có, ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước. Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, các công trình nhà ở, nhà xưởng sản xuất trong các khu dân cư tại các xã, thị trấn những năm gần đây diễn ra với mật độ lớn, dẫn tới nguồn nước thải ra môi trường của các đơn vị, nhà dân ngày một tăng, trong khi hệ thống thu gom xử lý nước thải chưa đáp ứng. Một nguyên nhân khác làm ô nhiễm kênh An Kim Hải đó là tại khu vực điểm đầu kênh An Kim Hải (phía Hải Dương) dọc 2 bên bờ kênh hiện có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân đổ thẳng xuống lòng kênh chưa được kiểm soát dẫn tới ô nhiêm môi trường.

 

 

Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn xả thải của các cơ quan chuyên môn nhiều hạn chế. Việc xử lý các doanh nghiệp xả nước vào hệ thống kênh chưa làm mạnh tay, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, đơn vị quản lý trong việc bảo vệ nguồn nước, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm chưa kịp thời, triệt để; thiếu hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt trong dân cư.

 

 

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

 

 

Trước sự báo động về tình trạng ô nhiễm kênh An Kim Hải ngày càng gia tăng, thời gian tới, đòi hỏi có sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền huyện An Dương và các quận: Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng nơi có tuyến kênh đi qua và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải và huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương). Trong đó, các đơn vị cần rà soát lại các khu vực, địa điểm trong dân cư và các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước để có giải pháp xử lý tập trung khắc phục. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện cụ thể. Trước mắt, với những cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có giấy phép xả thải, khu vực xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường cần kiên quyết cho dừng hoạt động; yêu cầu chấp hành nghiêm việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Với các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay sát bờ kênh An Kim Hải, các địa phương cần sớm có lộ trình yêu cầu người dân di dời hoặc dừng sản xuất. Với các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, các quận, huyện cần quan tâm nguồn lực đầu tư hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải rác, nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất ra kênh mương.

 

 

Về phía Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi An Hải (đơn vị quản lý tuyến kênh) cần tiếp tục chủ động đề xuất trung ương, thành phố bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo các công trình thủy lợi, thủy nông, công trình thu gom nước thải ở những khu vực ô nhiễm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện ngăn chặn các trường hợp xả thải nguồn nước ô nhiễm vào kênh An Kim Hải. Trước mắt, cần nhân rộng dự án thu gom nước thải từ các khu dân cư, các làng nghề ở xã Tân Tiến (An Dương) ra các địa phương có hệ thống thủy nông An Kim Hải chạy qua. Công ty nhanh chóng triển khai cắm mốc chỉ giới bảo vệ hệ thống thủy lợi trên địa bàn gắn với nâng cấp các hạng mục công trình bảo vệ nguồn nước hệ thống An Kim Hải.

 

 

Cùng với đó, Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN và PTNT cần phối hợp với các địa phương có tuyến kênh đi qua tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp xả thải nguồn nước ô nhiễm vào kênh An Kim Hải./.