Cần giải quyết 6 vấn đề lớn

10:09 SA 22/02/2023

 

 

 

Xây dựng giá đất sát với giá trị trường, nhằm hạn chế phát sinh tiêu cực.

Trong ảnh: Một góc đô thị quận Ngô Quyền. Ảnh: Trung Kiên

 

(HPĐT)- Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và từ thực tế trong quá trình giải quyết đơn thư, 6 vấn đề lớn cần được nghiên cứu sửa đổi, đó là: Nội dung liên quan đến giao đất, cho thuê đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi và giải phóng mặt bằng, giá đất và các quy định tài chính về đất, quản lý và sử dụng đất.

 

Đối với vấn đề giá đất, đa số ý kiến tán thành với việc bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ, thay vào đó, các địa phương tự xây dựng giá đất của địa phương nhưng cần quy định cụ thể các thành phần tham gia và thời gian xác định giá đất, nhất là quy định rõ trách nhiệm trong việc xây dựng giá đất phải sát với giá đất trên trị trường, nhằm hạn chế phát sinh tiêu cực. Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về xây dựng giá đất tại các địa phương.

 

Về nội dung liên quan đến giao đất, cho thuê đất, Điều 53 và 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai 2013, hiện cơ quan có thẩm quyền ký các quyết định giao đất, biến đất trở thành tài sản thuộc sở hữu của cá nhân và tổ chức, như vậy trái với quy định trong Hiến pháp. Do đó, cần phân biệt rõ các khái niệm về tài sản và quyền sử dụng đất, từ đó quy định cụ thể về trách nhiệm của các cá nhân đối với việc ký, thi hành các quyết định hành chính và hành vi hành chính.

 

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần đặc biệt coi trọng khâu quy hoạch làm cơ sở để việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đạt hiệu quả. Công tác quy hoạch cần được duy trì ổn định lâu dài, hạn chế việc thường xuyên điều chỉnh, thay đổi quy hoạch, ảnh hưởng đến việc ban hành quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như dễ phát sinh những tiêu cực trong quá trình thực thi pháp luật. Đối với vấn đề thu hồi và giải phóng mặt bằng, cần xác định rõ mục đích thu hồi đất, làm cơ sở xác định giá đền bù phù hợp với mục đích thu hồi đất, quy định rõ trách nhiệm trong việc ban hành, thi hành các quyết định thu hồi và giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, lấy ý kiến trong các tầng lớp nhân dân về công tác quy hoạch và việc triển khai các dự án, công trình, nhất là làm rõ mục đích thu hồi đất, bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế khiếu kiện liên quan đến đất đai.

 

Trong quản lý và sử dụng đất, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng đất, thu hồi và có chế tài xử phạt nghiêm việc sử dụng đất không đúng mục đích, nhất là với các dự án “treo” tồn tại nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất. Đồng thời, dự thảo luật cần quy định rõ các khu công nghiệp, khu chế xuất phải dành một phần quỹ đất phúc lợi công cộng để xây dựng công viên, trồng cây xanh, công trình công cộng và nhà ở của công nhân lao động, cùng các quy định về chính sách, chế độ phúc lợi về nhà ở đối với người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.

 

Trong lần sửa đổi này, luật cần giải quyết triệt để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các chính sách và văn bản luật liên quan đến đất đai, tạo sự đồng bộ, nhất quán trong quá trình thực thi luật tại các địa phương. Đồng thời, luật cần hạn chế tối đa những quy định giao Chính phủ quy định. Trong trường hợp Chính phủ quy định cần ban hành Thông tư hướng dẫn đi kèm ngay với luật, nhằm hạn chế tình trạng luật đã ban hành nhưng vẫn phải chờ các bộ ban hành Thông tư, dẫn đến việc thực thi luật bị chậm trễ, lúng túng./.