Phòng ngừa hội chứng kích thích ruột

06:35 CH 04/03/2025

- Hỏi: Do đặc thù công việc, ăn uống không hợp lý nên tôi thường xuyên bị đau thắt ruột, chướng bụng, đầy hơi... Tôi cần phòng ngừa hội chứng này như thế nào?

 ngothithuyhanh28374@gmail.com

 

 
 

- Trả lời: Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong những bệnh đường ruột phổ biến, với tỷ lệ mắc từ 5 đến 20% dân số. Hội chứng này lành tính, tuy không gây nguy hiểm nhưng có nhiều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán phổ biến hơn ở nữ, độ tuổi thường gặp từ 20 đến 50 tuổi, đặc trưng bởi tình trạng đau bụng tái đi tái lại, thay đổi thói quen đi tiêu, cảm giác chướng và khó chịu ở bụng. Đây là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần mà khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương thực thể ở ruột.

Điều trị hội chứng kích thích đường ruột chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu triệu chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Với bệnh ở mức độ nhẹ, thay đổi lối sống, bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt khoa học và kiểm soát cảm xúc có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc như: Các thuốc chống co thắt loại hướng cơ là Spasfon, Duspatalin...; thuốc nhuận tràng là Forlax, Duphalac, Tegaserod,...; thuốc chống sinh hơi: Meteospasmyl, Pepsane,...

Cách phòng tránh bệnh trên tối ưu nhất là bảo vệ sức khỏe tiêu hóa và phòng tránh tất cả bệnh liên quan tiêu hóa. Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh vẫn chưa được xác định nên cần giữ hệ tiêu hóa ở tình trạng ổn định, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan bao gồm hội chứng ruột kích thích. Điều quan trọng trong chủ động phòng tránh hội chứng ruột kích thích và các bệnh tiêu hóa khác là chế độ dinh dưỡng và thói quen sống. Những lưu ý bạn cần biết để cải thiện chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn: Hạn chế tối đa bỏ bữa ăn, ăn uống không điều độ; nên ăn chậm, không nên ăn quá nhanh; hạn chế ăn các thực phẩm cay, nóng nhiều, dầu mỡ và các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn; hạn chế rượu bia và đồ uống có gas; những loại trái cây có hàm lượng fructose cao cần ăn có kiểm soát, không nên ăn quá 240 g mỗi ngày.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập