Công khai, minh bạch hoạt động từ thiện
Quy định của Nghị định 93 "rộng đường" để tổ chức, cá nhân làm từ thiện.
Trong ảnh: Nhóm Quán cơm thiện nguyện phát cơm miễn phí tới người có hoàn cảnh khó khăn tại phố Phạm Bá Trực (quận Hồng Bàng).
(HPĐT)- Ngày 27-10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP (Nghị định 93) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 11-12-2021. Ông TRẦN NGỌC VINH, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về những quy định mới này.
- Hoạt động quyên góp từ thiện của các cá nhân, tổ chức không phải pháp nhân thời gian qua nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội về tính pháp lý và minh bạch. Ông cho biết Nghị định 93 có những quy định mới nào so với trước đây?
- Nghị định 93 là hành lang pháp lý quan trọng để công tác từ thiện đạt hiệu quả thực chất, ngăn chặn lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân, gây thất thoát, lãng phí nguồn tiền từ thiện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện gồm các cơ quan quản lý nhà nước, như Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, chính quyền địa phương, các đơn vị, cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự…
Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Riêng đối với cá nhân, tổ chức không phải pháp nhân làm từ thiện, Nghị định quy định bổ sung và chặt chẽ hơn. Như khi tiếp nhận vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú; cá nhân có trách nhiệm quản lý toàn bộ tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận, có biên nhận công khai. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện. Đồng thời có trách nhiệm thông báo với UBND địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ, để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức độ, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết. Với khoản tiền còn dư, cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng hoặc chuyển cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp…
- Theo ông, Nghị định 93 có tác động đến hoạt động từ thiện hiện nay như thế nào?
- Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về quản lý hoạt động từ thiện. Nhưng nghị định này mới khuyến khích người dân tham gia hoạt động từ thiện, quy định gánh trách nhiệm việc vận động quyên góp theo các đầu mối lớn như Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân. Những năm vừa qua, các tổ chức và cá nhân vẫn tiến hành quyên góp và cứu trợ từ thiện, là một hoạt động ý nghĩa, nhân văn. Tại Hải Phòng cũng có nhiều nhóm bạn trẻ làm từ thiện hiệu quả cao, như nhóm Quán cơm thiện nguyện (quận Hồng Bàng), Trái tim Việt (quận Lê Chân), Tình nguyện Hải Đăng (quận Lê Chân), Câu lạc bộ kết nối yêu thương (huyện An Lão), Câu lạc bộ tình nguyện Hoa Sen (huyện Thủy Nguyên)… Tuy nhiên, ngày 31-10 vừa qua, Công an thành phố vừa khởi tố, bắt tạm giam đối tượng ở quận Dương Kinh để điều tra về hành vi chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng thông qua việc kêu gọi từ thiện. Tháng 9 và tháng 10 vừa qua, các đơn vị công an tại các tỉnh Nam Định, Bình Định, Thừa Thiên - Huế cũng khởi tố một số đối tượng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi lợi dụng việc quyên góp từ thiện để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ ban hành nghị định mới này để từng bước đưa hoạt động quyền góp từ thiện vào nền nếp, bảo đảm minh bạch, công khai, giúp đỡ đúng người, đúng đối tượng, xây dựng niềm tin trong xã hội.
Để Nghị định 93 phát huy được tính pháp lý trong thực tiễn, thời gian tới, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan công an phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân. Đồng thời, nghị định gắn nhiều trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý trong việc phối hợp với cá nhân, tổ chức làm từ thiện để tăng tính hiệu quả, công khai, minh bạch các hoạt động từ thiện. Có như vậy, truyền thống nhân ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta sẽ ngày càng được phát huy và nhân rộng.
- Trân trọng cảm ơn ông!