Đào tạo, giới thiệu việc làm cho phụ nữ khuyết tật: Cần mô hình mới, tạo thu nhập ổn định

05:18 CH 17/02/2022

 

 

Các chị em có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật được đào tạo và làm việc tại Trung tâm Áo dài và dạy nghề truyền thống. 

 

(HPĐT)- Thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố triển khai nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả cao về đào tạo, giới thiệu việc làm giúp phụ nữ khó khăn, khuyết tật ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao

Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, Trung tâm Áo dài và dạy nghề truyền thống ở phố Lê Đại Hành (quận Hồng Bàng) tấp nập chị em đến thuê, may áo dài. Điều thu hút khách đến đây không chỉ bởi những chiếc áo dài mềm mại, tinh tế, mà còn bởi những sản phẩm ấy do chị em khuyết tật may vá.

 

Chị Nguyễn Thanh An, ở phường An Dương (quận Lê Chân) vừa tỉ mẩn thêu từng nét hoa văn trên chiếc áo dài truyền thống, vừa phấn khởi cho biết, chị bị khuyết tật ở chân, nên thời gian dịch COVID-19, chị quanh quẩn ở nhà, không tìm được việc làm phù hợp. May mắn đến với chị, sau thời gian học ở đây, chị thêu được những họa tiết cơ bản và tháng tới sẽ được nhận tháng lương đầu. Ngoài chị An, các chị em khuyết tật khác dù tình trạng sức khỏe và khả năng nhận thức khác nhau, song đều chung ý chí quyết tâm học tập và khát khao có được công việc ổn định.

 

Trung tâm Áo dài và dạy nghề truyền thống là mô hình mới do Hội LHPN thành phố, Hội Nữ doanh nhân và Công ty TNHH Quốc tế Queen phối hợp thành lập, đi vào hoạt động từ tháng 10-2021, nhằm phát triển nghề nghiệp đối với phụ nữ yếu thế, khó khăn, khuyết tật... Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Queen (huyện Thủy Nguyên) Cao Thị Thu Vân cho biết, chị muốn quảng bá vẻ đẹp của áo dài truyền thống và truyền nghề tới đông đảo chị em, nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Với mong muốn đó và được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội LHPN thành phố, Trung tâm Áo dài và dạy nghề truyền thống ra đời. Hiện, trung tâm đào tạo nghề và tạo việc làm cho 6 chị em là người khuyết tật. Vào tháng 3 tới, sau khi hoàn thành vườn thêu rộng 1.000 m2 tại xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên), chị Vân đón nhận khoảng 20 chị em khuyết tật về làm việc và ăn nghỉ tại đó, giúp chị em có thu nhập, khắc phục điều kiện đi lại khó khăn.

 

Bên cạnh thành lập các mô hình đào tạo, giới thiệu việc làm giúp phụ nữ khó khăn, khuyết tật như Trung tâm Áo dài và dạy nghề truyền thống, thời gian qua, các cấp Hội LHPN thành phố chủ động kết nối, phối hợp tổ chức nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”; phối hợp Công ty T608 (trực thuộc Bộ Quốc phòng) triển khai mô hình “Khởi sự kinh doanh thành công”; xây dựng gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ 37 chị khởi sự kinh doanh theo mô hình “bán sỉ tại kho, bán sỉ tại nhà”...

 

Năm 2021, các cấp Hội LHPN thành phố kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, địa phương đào tạo và phối hợp đào tạo nghề đối với 1.362 phụ nữ, tư vấn và giới thiệu việc làm 5.560 lao động nữ; giúp 429 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Từ đó, hàng trăm chị em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật tự tin vào bản thân, vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. 

 

Cần sự chung tay của các doanh nghiệp

Theo đánh giá nhanh về tác động của COVID-19 đối với người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, người khuyết tật nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh; 72% số người trả lời có thu nhập hằng tháng dưới 1 triệu đồng, 30% số người trả lời đang thất nghiệp vì đại dịch, 49% số người bị giảm thời gian làm việc; trong số những người đang có việc làm, 59% bị giảm thu nhập. Cuộc sống của phụ nữ khuyết tật vốn nhiều khó khăn thì nay, trong đại dịch COVID-19, khó khăn ấy nhân lên. Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam, hiện nay, phụ nữ nghèo và phụ nữ khuyết tật nghèo chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 3,6 triệu người. Tại Hải Phòng chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng có hàng nghìn chị em có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật. Phần lớn chị em sống dựa vào gia đình, người thân và từ khoản trợ cấp xã hội ít ỏi.

 

Bản thân phụ nữ khuyết tật luôn mong muốn, khát khao được nâng cao kiến thức, năng lực, hiểu biết để vươn lên khẳng định mình. Để có được việc làm, có chỗ đứng bình đẳng trong xã hội, các chị em cần được trang bị kiến thức, được đào tạo về nghề nghiệp để tự tin hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, thời gian qua, Hội LHPN thành phố tiến hành khảo sát hoàn cảnh, khả năng lao động của từng hội viên. Từ đó, Hội LHPN thành phố chỉ đạo Hội LHPN các cấp xây dựng kế hoạch để hỗ trợ phụ nữ phù hợp nhất với nguyện vọng, năng lực của họ. Trong đó, các cấp hội LHPN kết nối các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tạo điều kiện để chị em phụ nữ khuyết tật học nghề và làm việc tại cơ sở của họ. Tuy nhiên, số mô hình đào tạo và tạo việc làm đối với chị em có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật còn khá khiêm tốn.

 

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Vũ Thị Kim Liên cho biết, thời gian tới, các cấp Hội LHPN thành phố tiếp tục chủ động phối hợp các doanh nghiệp để đào tạo, giới thiệu việc làm giúp phụ nữ khó khăn, khuyết tật. Bên cạnh đó, Hội rất mong các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm hơn đến đào tạo, tạo việc làm đối với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. Đó chính là sự đóng góp cùng thành phố bảo đảm an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau./.