Giao thông Hải Phòng kết nối vươn xa
Từ cảng container quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện hình thành hơn 10 tuyến dịch vụ hàng hải quốc tế đi Ấn Độ, Nội Á, bờ Tây nước Mỹ…
(HPĐT)- Với vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc bộ, có đủ 5 loại hình giao thông gồm: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và đường hàng hải, kết nối trong nước và quốc tế, hệ thống giao thông Hải Phòng không chỉ phục vụ thành phố mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông vận tải, thông thương hàng hóa của miền Bắc và cả nước. Vì vậy, các công trình giao thông ở Hải Phòng mang tính kết nối cao và bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế cả vùng.
Hải Phòng kết nối vùng với vị trí trung tâm
Chỉ còn ít ngày nữa, cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) sẽ được hợp long. Đây là nhóm công trình giao thông đầu tiên (cùng với cầu Quang Thanh) được triển khai giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương. Cũng trong năm 2021 này, cầu Bến Rừng sẽ chính thức được khởi công xây dựng nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Trên tuyến quốc lộ 10, đoạn từ Quán Toan đến ngã ba Bí Chợ (giao với quốc lộ 18 tại tỉnh Quảng Ninh) cũng được triển khai nâng cấp. Những công trình giao thông mang ý nghĩa kết nối vùng ấy mở ra một vùng kinh tế mới gắn với phát triển du lịch, nông nghiệp, khoáng sản và tiến tới là phát triển công nghiệp sẽ tạo đà cho Hải Phòng và các tỉnh bạn vươn xa, phát triển mạnh mẽ hơn.
Không chỉ những công trình kết nối trực tiếp giữa Hải Phòng và các tỉnh bạn, các công trình được triển khai tại Hải Phòng cũng mang tính kết nối vùng… Trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng thực hiện nhiều công trình giao thông lớn như: dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua Hải Phòng, dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, dự án cải tạo đường 356 đoạn 2A với hạng mục xây dựng nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ, dự án nâng cấp đường 359, các tuyến đường tỉnh, các cây cầu vượt sông, cầu vượt đường bộ… tất cả dự án này đều tập trung vào 2 nhiệm vụ là: phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và kết nối vùng đa dạng hơn. Tuyến đường trục đô thị Hải Phòng kết nối khu vực cảng biển Hải Phòng với quốc lộ 10, tỏa đi các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh. Nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ chính thức hình thành nên các hướng tuyến giao thông quan trọng từ cảng biển Hải Phòng đi cả nước; các cây cầu vượt sông như: cầu Hàn, cầu Đăng, cầu Hóa và tuyến đường Lạng Am- Nhân Mục cũng mang ý nghĩa kết nối giữa thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình…
Trên tuyến đường hàng không, sự đầu tư phát triển tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi tiếp tục mở ra cho Hải Phòng những sự phát triển mới với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Cảng biển được xây dựng tại Hải Phòng nhưng là điểm đến của những con tàu lớn trong nước và nước ngoài, hình thành những tuyến vận tải hàng hải vượt đại dương… Hơn 100 nghìn tỷ đồng được đầu tư xây dựng trên 5 loại hình giao thông tại Hải Phòng trong 5 năm qua thể hiện sự phát triển đột phá và vai trò của Hải Phòng ở vị trí trung tâm.
Tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 xác định, giai đoạn 2020-2025, giao thông Hải Phòng vươn tới mục tiêu: phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và vùng; là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, trong giai đoạn mới, Hải Phòng tập trung nguồn lực triển khai các công trình, dự án trọng điểm như: nhà ga hành khách số 2 của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây mới 6- 8 bến thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với thiết bị hiện đại, tiên tiến; xây dựng cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên, cầu Rào 3, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2, đưa vào khai thác tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình)… Dự kiến trong giai đoạn 2020-2025, Hải Phòng sẽ xây dựng khoảng 60-70 cây cầu các loại ở các quận, huyện, dần xóa các tuyến đò ngang sông.
Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung nguồn ngân sách để cải tạo, nâng cấp, phát triển giao thông đô thị theo hướng nâng cao năng lực, từng bước đồng bộ, hiện đại. Theo đó, thành phố dành nguồn vốn để chỉnh trang đường đô thị, cải tại một số nút giao thông khác mức; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường trục chính, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn, tuyến đường vành đai 2 và 3, hệ thống cầu vượt và giao thông thông minh. Trên các tuyến đường tỉnh, đi đôi với nâng cấp đường, thành phố ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng, kết nối thuận lợi tới các khu đô thị, du lịch, khu, cụm công nghiệp.
Cơ chế thực hiện các dự án, công trình mới để thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố ưu tiên áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Thành phố phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải và các bộ, ngành Trung ương huy động các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa chiến lược, vai trò liên kết vùng; ưu tiên các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không và hạ tầng kết nối bằng cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, đáp ứng yêu cầu tăng nhanh lượng hàng hóa, hành khách qua các cảng. Đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết nối hạ tầng giao thông trên cơ sở phát huy lợi thế là đô thị loại 1, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ…
Với những công trình giao thông mang nhiều ý nghĩa trong tương lai, Hải Phòng không chỉ là trung tâm giao thông của vùng duyên hải Bắc bộ mà còn là trung tâm giao thông của quốc gia và trong khu vực, thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và thành phố./.