Hòa giải thấu tình, đạt lý
(HPĐT)- Trong thời buổi đất đai có giá trị lớn như hiện nay thì những mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai nảy sinh ngày càng nhiều, trong đó nhiều vụ tranh chấp trong gia đình, dòng họ khiến anh em mất đoàn kết, thậm chí còn lôi kéo nhau ra tòa, đánh nhau đến “sứt đầu, mẻ trán”, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng có không ít vụ việc dù căng thẳng đến mấy nhưng nếu có sự hòa giải kịp thời, thấu lý, đạt tình thì mâu thuẫn sẽ được hóa giải, các bên sẽ hiểu và tìm được tiếng nói chung để giải quyết vụ việc. Vụ án ông Nguyễn Văn Nghệ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là câu chuyện kết thúc có hậu do trợ giúp viên pháp lý tham gia hòa giải thành công.
Ông Nghệ là người có công với cách mạng, bố mẹ ông sinh được 5 người con. Năm 1997, bố ông qua đời, đến năm 2002 thì mẹ ông mất. Tài sản mà bố mẹ ông để lại là hơn 518 m2 đất ở, 200 m2 đất nông nghiệp và 162 triệu đồng tiền bồi thường do thu hồi đất nông nghiệp. Vì lý do người anh cả quản lý toàn bộ đất ở, đất nông nghiệp và tiền bồi thường nhưng lại không chịu thỏa thuận chia cho các anh em trong gia đình nên xảy ra tranh chấp, khiến ông Nghệ cực chẳng đã mới phải khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi cho mình.
Trợ giúp viên khi tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý của ông Nghệ dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, xác minh, đánh giá toàn bộ những thông tin, chứng cứ mà ông Nghệ cung cấp. Nhận thấy đây là một vụ án rất phức tạp vì không chỉ liên quan đến đất ở (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), đất nông nghiệp và tiền bồi thường, mà các anh chị em trong gia đình ông Nghệ mỗi người một ý kiến, không thống nhất về diện tích đất ở của bố mẹ, không thống nhất về cách thức phân chia di sản, nhiều lần cãi nhau, gây mất đoàn kết gia đình. Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, ông Nghệ xuất trình văn bản về việc chia thừa kế đất cho con nhưng không có xác nhận của UBND xã mà chỉ có chữ ký của người làm chứng và trong văn bản này cũng không xác định cụ thể diện tích đất ông Nghệ được cho, ranh giới, mốc giới cụ thể. Hơn nữa, các anh chị em của ông Nghệ cũng đều không công nhận văn bản này.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, trợ giúp viên phân tích cho ông Nghệ hiểu rõ, văn bản mà ông cho là di chúc không bảo đảm về hình thức và nội dung theo quy định của Bộ luật Dân sự nên không thể coi đây là căn cứ để chứng minh quyền được hưởng tài sản của ông Nghệ. Phương án tốt nhất là các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản thừa kế và đề nghị UBND xã chứng thực văn bản này. Đây cũng là căn cứ để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế trong gia đình ông Nghệ.
Sau nhiều lần gặp gỡ với các thành viên trong gia đình ông Nghệ, bằng những phân tích, thuyết phục có lý, có tình, trợ giúp viên pháp lý giúp các bên tranh chấp thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc chia thừa kế của bố mẹ để lại và 5 anh em trong gia đình ông Nghệ đều hài lòng với kết quả phân chia này. Vừa qua, ông Nghệ rút đơn khởi kiện tại tòa án, chấm dứt việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài từ nhiều năm qua.
Kết quả hòa giải thành công ghi nhận vai trò tham gia của trợ giúp viên pháp lý, từ việc nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, những cơ sở pháp lý và thực tiễn vận dụng để giải quyết vụ việc, không những giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nghệ mà còn góp phần hướng dẫn, phổ biến pháp luật, giúp các bên tranh chấp nhận thấy rõ việc làm đúng, sai của mình, tự nguyện giải quyết vấn đề bằng việc hòa giải mà không cần phải có một phiên tòa xét xử gây tốn kém thời gian và công sức. Trên hết, cái được lớn nhất đó chính tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình được giữ vững.
Người xưa thường nói “Anh em như thể tay chân", "một giọt máu đào hơn ao nước lã", “máu chảy ruột mềm”.... Những bài học đạo đức này thật sâu xa, thấm thía và còn nguyên ý nghĩa giáo dục trong cuộc sống hôm nay./.