Di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (huyện Kiến Thụy): Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Huyện Kiến Thụy ưu tiên các nguồn lực cho việc bảo tồn di tích Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc. Ảnh: LÊ DŨNG
(HPĐT)- Di tích lịch sử thành phố Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc là quần thể di tích lịch sử - khảo cổ, xây dựng tại xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy), nơi được xem như kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng lên. Tại đây hiện lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có thanh Định Nam Đao, là một trong 3 hiện vật thời Mạc của huyện Kiến Thụy (cùng với Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương) được suy tôn là bảo vật quốc gia. Đây là vinh dự cũng là trách nhiệm để các ban, ngành, địa phương, nhân dân chung sức bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Lưu giữ kiến trúc độc đáo, các cổ vật quý
Quần thể di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được xây dựng trên nền móng của Điện Tường Quang, nơi phát tích triều Mạc, rộng 2,5 ha trong tổng diện tích quy hoạch 10,5 ha gồm các hạng mục: Nghi môn ngoại, cầu đá, hồ cá, nghi môn nội, nhà văn bia, nhà giải vũ và nhà chính điện. Trọng tâm của Khu tưởng niệm là nhà chính điện (diện tích 586,19 m2) được xây dựng theo kiến trúc văn hóa thời Mạc với bố cục mặt bằng hình chữ “Công”, nâng đỡ bởi 100 cây cột gỗ lim, gồm ba phần: 7 gian tiền đường, 5 gian hậu cung... Gian tiền đường là nơi thờ linh vị 5 vị vua thời Mạc. Tượng bằng gỗ dát vàng, chính giữa là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và các đồ thờ quý. Khu tưởng niệm đang lưu giữ thanh Định Nam Đao (dài 2m55, nặng 25,6 kg) gắn với công lao sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, cùng Ngài xông pha chiến trận, bách chiến bách thắng.
Để ghi nhận công lao to lớn của Đức Thái Tổ và Vương triều Mạc, tháng 9- 2009, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được khởi công xây dựng, là một trong các công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo đó, nhiều hiện vật quý được cung tiến, đóng góp để hoàn thiện di tích. Trong đó phải kể đến chuông đồng Đại Hồng chung do các nghệ nhân Huế đúc vào ngày 15-8- 2010, trước sự chứng kiến của con cháu họ Mạc, gốc Mạc cùng đông đảo bà con và du khách thập phương, có cân nặng đúng bằng năm khởi nghiệp triều Mạc (1.527 kg). Ngày 22-9- 2010 (tức ngày 15 tháng 8 năm Canh Dần), chi họ Phạm gốc Mạc ở thôn Ngọc Tỉnh (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cùng con cháu dòng tộc và nhân dân địa phương long trọng nghinh rước báu vật thanh long đao của Tiên đế về lưu thờ tại Khu tưởng niệm. Trước sân chính điện hiện trưng bày Bộ Văn phòng tứ bảo (gồm bút, nghiên, mực, giấy) tạc bằng đá xanh trên mai rùa đát, được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là lớn nhất Việt Nam ngày 5-2-2014…
Ưu tiên nguồn lực cho việc bảo tồn
Phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Phạm Tiến Thuật cho biết, năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 475 năm ngày mất Thái tổ Mạc Đăng Dung, UBND thành phố công nhận Khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc là di tích lịch sử cấp thành phố. Năm 2020, cùng với Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (hiện được thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương), thanh Long đao là 3 hiện vật thời Mạc của huyện Kiến Thụy được Thủ tướng Chính phủ vinh danh là bảo vật quốc gia. Cùng với khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, đến nay, trên địa bàn huyện còn nhiều dấu tích mang dấu ấn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phản ánh rõ nét sự hiện diện của vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử như: hội Minh Thề (đền chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên), chùa Nhân Trai (xã Đại Hà), chùa Đại Trà (xã Đông Phương), chùa Văn Hòa (xã Hữu Bằng)… Điều này khẳng định Vương triều Mạc có vị trí quan trọng trong lịch sử, có đóng góp tích cực, xứng đáng với truyền thống anh hùng dựng nước, giữ nước của vùng đất Hải Phòng cũng như miền duyên hải Bắc Bộ. Cũng bởi lẽ đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được huyện hết sức coi trọng. UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban quản lý di tích thực hiện nghiêm văn bản của Trung ương, thành phố trong công tác quản lý di tích, lễ hội, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa địa phương…
Theo Trưởng Ban quản lý khu tưởng niệm Nguyễn Văn Thành, tại khu tưởng niệm, ngoài tổ chức các hoạt động, sự kiện tưởng nhớ công lao của Thái tổ và các vua nhà Mạc, đơn vị xây dựng, phục dựng hoạt động khai bút đầu xuân (được tổ chức từ mồng 6, 7 và mồng 8 tháng Giêng và kéo dài đến 15 tháng Giêng) nhằm tôn vinh, giữ gìn truyền thống hiếu học của đất và người Hải Phòng. Đặc biệt, việc lưu giữ, thờ thanh Long đao tại Khu tưởng niệm chính là biểu tượng linh thiêng trấn quốc, liên quan đến bảo vệ Tổ quốc.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng, công tác trùng tu, bảo tồn di tích được thực hiện hiệu quả cao. Trong các năm từ 2019-2021, từ nguồn ngân sách và nguồn công đức, đơn vị triển khai nhiều hoạt động trùng tu, bảo tồn như đảo ngói toàn bộ các công trình tránh dột; xử lý, phòng, chống mối mọt xâm hại di tích… với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Sự tham gia của cộng đồng không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho việc bảo tồn, mà còn phát huy hiệu quả giá trị di sản. Ban quản lý cũng đề xuất sớm tôn tạo, thay mới hệ thống điện chiếu sáng tại khu chính điện, bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy hoạch chung được phê duyệt… để chỉnh trang khu tưởng niệm ngày càng khang trang, bề thế. Hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm nay với chủ đề “Hải Phòng- Bừng sáng miền di sản”, Ban quản lý tổ chức trưng bày bảo vật quốc gia thanh long đao tại khu tưởng niệm, đón tiếp nhân dân, con cháu họ Mạc, gốc Mạc về dâng hương, chiêm bái. Qua đó góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản của Vương triều Mạc cũng như các lễ hội tâm linh của vùng đất Dương Kinh xưa, Kiến Thụy ngày nay.