Những tài sản vô giá

Di sản ngày càng phát huy giá trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong ảnh: Lễ hội Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC
(HPĐT)- Hải Phòng, vùng đất “Hải tần phòng thủ”, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam và mang sắc thái riêng, độc đáo của người Hải Phòng. Từ thuở Nữ tướng Lê Chân đi mở đất, trải qua quá trình dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, nơi đây hình thành nên các miền quê văn hiến, các di tích lịch sử, văn hóa phong phú và đậm sâu khí phách hiên ngang của con người nơi cửa biển. Để “biến” di sản thành nguồn tài nguyên tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa…
Nguồn “tài nguyên” tiềm ẩn
Theo thống kê của Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao, toàn thành phố hiện có gần 1 nghìn di tích được kiểm kê, xếp hạng; trong đó, có 555 di tích được xếp hạng các cấp, gồm: 1 di sản thiên nhiên thế giới (Di tích liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà), 2 di tích cấp cấp quốc gia đặc biệt (Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo và Quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải), 119 di tích cấp quốc gia, 434 di tích cấp thành phố. Về di sản văn hóa phi vật thể, thành phố là một trong những địa phương lưu giữ 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh: Ca trù (Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại) và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại); 11 di sản phi vật thể quốc gia. Thành phố có 11 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng thuộc lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng... Trong số hơn 300 cổ vật được Sở Văn hóa và Thể thao quản lý có 21 cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, Thanh Long đao, Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, 18 bảo vật thuộc bộ Sưu tập An Biên hiện lưu giữ tại các di tích lịch sử văn hóa, chủ sở hữu sưu tập tư nhân…
Theo Trưởng Phòng quản lý Di sản Văn hóa Nguyễn Thị Kim Chung, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa năm 2017, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND. Thực hiện Nghị quyết, từ năm 2018 đến hết năm 2021, thành phố công trợ 110 di tích lịch sử, văn hóa xếp hạng cấp thành phố, mỗi di tích 300 triệu đồng, với tổng kinh phí 33 tỷ đồng, các địa phương huy động xã hội hóa khoảng 123 tỷ đồng để tham gia tu bổ, tôn tạo. Tiếp nối thành công đó, HĐND thành phố tiếp tục ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND về công trợ 103 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 72 di tích cấp quốc gia giai đoạn 2023-2027... Ngoài ra, Sở tham mưu thành phố triển khai công tác quản lý Nhà nước đối với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với quan điểm huy động cao nhất các nguồn lực chung tay bảo tồn di sản chống xuống cấp, mai một…
Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định một trong 3 giải pháp đột phá nhiệm kỳ 2020- 2025, bên cạnh phát triển hạ tầng và các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế, là tập trung xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Phòng gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc biệt của Hải Phòng…
Phát huy giá trị di sản
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai cho hay, để phát huy giá trị di sản, từ năm 2021, triển khai Đề án tuyên truyền quảng bá di tích lịch sử văn hoá, di sản văn hoá tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Sở phối hợp xây dựng 50 tập phóng sự tuyên truyền về các di tích, lịch sử văn hoá, các lễ hội tiêu biểu của Hải Phòng phát sóng trên các kênh truyền hình VTV2, VTV4, Đài phát thanh truyền hình Hải Phòng… nhằm quảng bá mạnh mẽ di sản văn hóa đến người dân và du khách. Du khách đến Hải Phòng hiện nay không chỉ thoả mãn vị giác với “food tour”, “city tour” mà bắt đầu đến các điểm di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh để trải nghiệm không gian văn hoá với chiều sâu lịch sử của một thành phố Cảng sôi động. Số lượng khách tham quan các di tích lịch sử văn hóa kết hợp với các chương trình du lịch khác tăng khoảng từ 25- 30%, đặc biệt là trong các dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết… Thời gian qua, việc tổ chức lễ hội, trong đó các nghi lễ bảo đảm tính truyền thống, tính địa phương, diễn ra an toàn, lành mạnh, không có biểu hiện phản cảm, vi phạm pháp luật…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đánh giá, Hải Phòng có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản và cần khai thác và phát huy những giá trị di sản trở thành nguồn lực phát triển du lịch văn hóa. Theo đó, thành phố cần đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, như: Các tour du lịch thăm di tích, làng cổ và chương trình trải nghiệm văn hóa để thu hút du khách và phát triển ngành du lịch. Còn TS Phạm Từ, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, Hải Phòng có nhiều tiềm năng xây dựng sản phẩm văn hóa đặc thù, như: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng, Khu đô thị du lịch đảo Vũ Yên, Di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh, khu du lịch biển Đồ Sơn, Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc… Tiêu biểu như dự án “Vĩnh Bảo một miền quê cổ tích” với điểm nhấn là di sản văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hứa hẹn một sản phẩm văn hóa ấn tượng thu hút du khách đến với Hải Phòng.