Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2024), Lễ Hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024: Mở rộng không gian lễ hội
(HPĐT)- Đến hẹn lại lên, khi những cánh phượng thắp lên ánh lửa trên những tán cây xanh thì người Hải Phòng lại náo nức đón chờ mùa lễ hội. Năm 2024, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ được tổ chức tại quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính Khu đô thị Bắc sông Cấm, mở rộng không gian lễ hội tỏa rộng qua đôi bờ sông Cấm, gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2024), nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn trải dài trong 3 tháng và bùng nổ vào tháng 5 đón hè…
Không gian” cổ động rực màu phượng đỏ
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng Nguyễn Thị Thảo, từ trung tuần tháng 4, Trung tâm chuyển toàn bộ nội dung khẩu hiệu, hệ thống tranh mẫu và hướng dẫn các địa phương để thực hiện in ấn, treo trang trí, cổ động. Đến thời điểm này, hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan cấp thành phố cơ bản hoàn tất. Cùng với đó, 14 quận, huyện đang khẩn trương hoàn thiện những phần việc cuối cùng để tham gia cuộc thi tuyên truyền cổ động trực quan do thành phố tổ chức. Phần lớn tuyên truyền cổ động trực quan bằng tranh và dàn tranh cổ động tấm lớn, pano, biểu ngữ cổ động, bảng tin, trạm tin, khẩu hiệu đường, khẩu hiệu tường, cờ và phướn cổ động. Trong đó, một số địa phương, như: Thủy Nguyên, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Đồ Sơn... sử dụng các chất liệu bền vững, an toàn lắp đặt bằng các bảng, biển điện tử hoặc xây dựng các cụm cổ động tổng hợp, tuyến đường cổ động kiểu mẫu tiêu biểu tại các khu vực trung tâm, chính trị - hành chính của quận, huyện, xã, thị trấn. Các khu dân cư, tổ dân phố văn hóa đều huy động, vận động toàn dân treo cờ Tổ quốc trong thời điểm diễn ra lễ hội và tạo không gian cổ động ấn tượng, phù hợp. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan, hầu hết các quận, huyện sử dụng các phương tiện, phương thức cổ động khác, như: Phát thanh cổ động, xe cổ động lưu động, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với cổ động tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hợp lý, an toàn.
Trong 3 ngày 6, 7, 8-5, thành phố sẽ lập Đoàn kiểm tra liên ngành và chấm thi cổ động trực quan trên toàn thành phố. Năm nay, việc đánh giá, chấm điểm sẽ có sự đổi mới, ngoài đáng giá về số lượng, chất lượng, nội dung kỹ mỹ thuật các loại hình cổ động trực quan; việc thực hiện các công trình cổ động, nhất là các công trình mới đầu tư, cụm thông tin cổ động tổng hợp, tuyến đường cổ động kiểu mẫu, địa bàn cổ động tiêu biểu; thì việc huy động hiệu quả nguồn nhân lực, xã hội hóa kinh phí để triển khai công tác thông tin tuyên truyền cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đoàn kiểm tra cho điểm thi.
Đặc sắc các sự kiện văn hóa và biểu diễn nghệ thuật
Từ đầu tháng 4 đến nay, tại các trung tâm, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn rộn ràng chương trình hội diễn ca múa nhạc cấp cơ sở. Tại huyện Kiến Thụy, liên hoan năm nay thu hút Hội diễn ca múa nhạc công - nông - binh được tổ chức từ cơ sở đến cấp huyện, thu hút gần 1 nghìn diễn viên không chuyên đến từ 35 đơn vị tham gia. Các tiết mục dự thi được đầu tư công phu, với các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người, ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng như những thành tựu to lớn của đất nước, thành phố và huyện. Tại quận Hồng Bàng, không khí náo nức chuẩn bị các tiết mục văn hóa văn nghệ quần chúng đạt đến cao trào. Tối 4-5, Hội diễn ca múa nhạc quận Hồng Bàng năm 2024 khép lại với kết quả các phường Hoàng Văn Thụ, Hạ Lý, Sở Dầu giành giải xuất sắc, 6 phường còn lại giành giải nhất…
5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố cũng triển khai hoạt động biểu diễn lưu động tại các điểm du lịch ngoài trời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và du khách. Trưởng đoàn Múa rối Hải Phòng Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, Đoàn đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức Liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng năm 2024. Liên hoan có sự góp mặt của các nhà hát múa rối hàng đầu Việt Nam: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội), Nhà hát Múa rối Ninh Bình, Nhà hát Múa rối Quảng Ninh, Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng cùng sự có mặt của các phường rối cổ như: Nhân Hoà, Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo), Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), Luy Lâu (Bắc Ninh), Phú Thọ… Hòa quyện giữa nghệ thuật múa rối và nghệ thuật đường phố, chương trình diễn ra khai mạc tại khu trung tâm thành phố từ 7-5, biểu diễn từ 9-5 đến hết 11-5 ở thủy đình tại Đình Hàng Kênh (số 42, phố Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân). Còn Trưởng Đoàn Cải lương Hải Phòng Nguyễn Gia Thùy cho biết, Đoàn cũng tập trung tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử mở rộng “Hải Phòng - Miền di sản” sẽ diễn ra trong 2 tối 9, 10-5 tại Quảng trường Nhà hát thành phố với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Cao điểm trong tháng 5, đồng loạt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ diễn ra cấp tập, sôi động tại Nhà hát thành phố, như: Trình diễn di sản văn hoá phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh tối 5-5; Trình diễn nghệ thuật Chèo - Di sản vùng Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam tối 6- 5 và 11-5; Biểu diễn các tiểu phẩm hài tối 20-5; Hội diễn Ca múa nhạc thành phố Hải Phòng năm 2024 các tối 21 đến 23-5; chương trình ca múa nhạc “Giai điệu miền cửa biển” tối 14-5; Lễ hội áo dài năm 2024 tối 13-5; biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Nam Ninh (Trung Quốc) tối 12-5…; biểu diễn nghệ thuật đường phố; biểu diễn tại Đình Hàng Kênh; các trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng Hải Phòng, Nhà trưng bày Triển lãm thành phố, Trung tâm Văn hóa thành phố… “Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vừa thể hiện sự sôi nổi, rộng khắp nhằm đem tới “bữa tiệc tinh thần” phong phú cho người dân, thể hiện sự độc đáo của văn hóa dân tộc và nét riêng, đặc trưng của Hải Phòng hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2024 và kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai cho biết.