Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: Hấp dẫn du khách
(HPĐT)- Sở hữu 3 trong số 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam, trong khi nghệ thuật Đờn ca tài tử được Đoàn Cải lương Hải Phòng thực hành và phát huy, Hải Phòng còn đẩy mạnh hoạt động trình diễn nghệ thuật hát Ca trù và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nhằm “biến di sản trở thành nguồn lực phát triển”, tạo thành các “đặc sản” hấp dẫn du khách đến với thành phố…
Về Hải Phòng xem trình diễn di sản
Tối 5-5, sân khấu tại Quảng trường Nhà hát thành phố chật kín người xem chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức. Mang đến các màn hát nói ngả sang chầu văn “Hoa Phong Lan, Ngày hội quê em”, hát lót “Gương anh hùng” (tích Bạch Đằng) và hát múa “Dồn Đại Thạch” (Lời cổ), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật dân gian truyền thống Hải Phòng bày tỏ niềm vui khi lần thứ hai mang di sản Ca trù trình diễn tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Ca trù từng chiếm vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Năm 2009, Ca trù chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nghệ thuật Ca trù tại thành phố Hải Phòng đã hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cả giới trẻ với số lượng hội viên tham gia CLB cũng ngày một nhiều hơn. Với ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể - nghệ thuật Ca trù tại Hải Phòng cũng như trên toàn quốc, chương trình chính là dịp để khẳng định sức sống của nghệ thuật Ca trù tại thành phố Hải Phòng.
Màn trình diễn di sản tại chương trình cũng được người dân và du khách chờ đón là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trình diễn giá hầu “Chầu Bé Bắc Lệ” và “Cô Sáu Lục Cung”, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Bổn thông tin, 2 giá hầu thể hiện tình cảm của người vùng biển đối với người dân sơn cước. Việc trình diễn di sản là “món ăn tinh thần” để mỗi người dân đất Việt cho dù đi muôn phương vẫn nhớ về quê hương, cội nguồn văn hóa của dân tộc. Ông mong muốn, chương trình này được tổ chức hằng năm để người dân, du khách hiểu thêm về di sản của quê hương đất nước Việt Nam và thành phố Hải Phòng. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là sự tổng hòa giữa tôn giáo bản địa của người Việt, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2016. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao... thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Những màn trình diễn tái hiện hình tượng của các vị thánh hạ trần và hòa mình, trở nên quen thuộc với cuộc sống của nhân dân. Qua tài năng của các nghệ nhân, loại hình nghệ thuật cổ truyền này đã được thổi vào sức sống mới, gắn với cuộc sống đương đại…
Mong muốn lan tỏa di sản văn hóa
Những ngày tới Hải Phòng tham quan, chị Nguyễn Kim Chung, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh vô cùng ấn tượng với chương trình trình diễn hát Ca trù và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Dải trung tâm thành phố. Chị cho biết, mặc dù là trình diễn di sản song các nội dung trong chương trình đều mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nên rất cuốn hút, nhất là các tiết mục trong phần thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Đỗ Thị Khánh Hương, Trung tâm tổ chức trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh với loại hình di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và hát Ca trù của người Việt với mong muốn gìn giữ và lan tỏa những nét giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc đến với nhân dân thành phố nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản”. Năm nay, chương trình được tổ chức với các tiết mục phong phú, đặc sắc và nhận được sự hưởng ứng tham gia của các CLB, các nghệ nhân tên tuổi của thành phố Hải Phòng, như: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Bổn, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Sinh (Nguyễn Thị Thủy), nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Đoan Trang, nghệ nhân Trần Vũ Tiến, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuần, nghệ nhân Phạm Thị Bằng Ly trình diễn Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghệ nhân ưu tú Thu Hằng, nghệ nhân ưu tú kép đàn Nguyễn Văn Tuyến, ca nương Nguyễn Thị Thắm, ca nương Thúy Là và hơn 30 học sinh thuộc tốp múa lớp Ca trù khóa 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố trình diễn Di sản hát Ca trù của người Việt. Để chuẩn bị cho chương trình, các nghệ nhân tập luyện cách đây hơn 2 tháng và rất hào hứng được tham gia chương trình lễ hội. “Chúng tôi mang di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh, các loại hình nghệ thuật dân gian của thành phố đến với công chúng, để công chúng hưởng ứng, gìn giữ, lan tỏa và phát huy di sản, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Cũng thông qua đó, di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh được lan tỏa đến với bạn bè muôn phương”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố khẳng định.